Monday, June 30, 2014

NHỮNG CHIẾC CHÌA KHÓA

Không nhiều thì ít, ai cũng thỉnh thoảng mất chìa khóa, có khi mất luôn, có khi tìm thấy lại. Còn việc sập cửa rồi mới nhớ ra mình vẫn để chìa khóa bên trong là chuyện thường lắm.
 Tôi mang chiếc chìa khóa của cửa sau nhà đi làm thêm một chiếc nữa để khi nào chiếc chính để sai nơi, tìm không ra thì có một chiếc dự phòng.
 Cái kiosk nhỏ dựng trước khu chợ Fred Meyer ở khu phố tôi, rất tiện cho khách đi chợ rồi ghé vào làm khóa. Trong cái kiosk nho nhỏ này, có cả ngàn cái khóa lớn, bé treo chung quanh bốn bức tường.Từ khóa xe cho đến khóa két sắt, khóa cửa, khóa cổng. Chỉ cần đưa chiếc chìa khóa cũ của mình ra, người thợ khóa biết ngay phải lấy chiếc nào trên móc xuống, chập hai cái chìa vào nhau cho vào trong máy, rập mạnh xuống một cái, lấy ra, nhìn sơ qua, giũa nhẹ vài cái, thế là xong cái phó bản.

Khi nhận cái chìa khóa mới, tôi hỏi đùa người thợ khóa ở tuổi trung niên:
-     Ông có làm cái chìa nào để mở cánh cửa của trái tim được không?
Người thợ khóa cười nhếch mép, nói:
-     Nếu tôi làm được, tôi thành triệu phú từ lâu rồi.
Cả hai chúng tôi cùng cười thành tiếng.
Tôi ra về, ngồi trên xe đầu óc cứ nghĩ về những chiếc chìa khóa mở được trái tim ai. Có chứ, phải có cái chìa khóa mở được trái tim chứ? Cứ ấm ức mãi không nghĩ ra. Gần về đến nhà mới: À, nhớ ra rồi!
Chiếc chìa khóa đó để dưới viên gạch trong bức tường phía mặt tiền của một căn nhà trống. Căn nhà run rẩy dưới mùa đông, trắng xóa tuyết phủ. Người đàn ông run rẩy trở về kéo viên gạch ra, cho mấy ngón tay lóng cóng của mình vào, lấy ra được chiếc chìa khóa. Ông mở cửa, bước vào trong. Căn nhà vắng lạnh, vợ ông đã đi lánh nạn, người tình cũng đi xa. Ông nằm lăn lên giường. Trái tim ông mở, trái tim ai ở nơi xa xôi nào đó cũng mở. Tôi bật kêu thành tiếng: “Yuri, Lara, Tonya!” Ôi, mối tình thơ mộng tay ba trong chiến tranh của một người đàn ông thi sĩ có vợ, với cô y tá. Cái chìa khóa giấu dưới viên gạch cho người tìm về!” (Doctor Zhivago – Boris Pasternak) 
 Có thế chứ, chiếc chìa khóa ngoài việc mở những cánh cửa vô tri bằng gỗ, bằng thép, nó còn mở được trái tim của con người.
 Cái miếng kim loại nho nhỏ đó cần thiết vô cùng. Về hình thức nó dùng để mở cửa, mở cổng, về nội dung người ta nhân cách hóa nó có thể mở tất cả những cánh cửa vô hình, từ: Thiên đàng, tình yêu, hạnh phúc, danh vọng cho đến nỗi đau.
 Sao mà cái vật bé nhỏ đó quan trọng thế!
 Bên Âu Châu thời xa xưa khi anh hùng ra trận, đã khóa những phần nhạy cảm trên thân thể của người yêu, của vợ mình, rồi mang theo chìa khóa. Để bảo đảm sự yên tâm cho mình nơi trận mạc là chuyện thời đó coi như dĩ nhiên.
 Ngày nay người ta không dùng xích, dùng khóa bằng kim loại để giữ tình yêu nữa. Cái chìa khóa đó được tượng trưng bằng một văn bản về tiền bạc. “Nếu cô ly dị tôi sau 5 năm kết hôn thì cô chỉ được 10 triệu, sau 10 năm kết hôn thì cô sẽ được 20 triệu.” Đó là đại khái những lời giao ước (Pre-Nuptial) của các minh tinh màn bạc, các nhà tỷ phú. Lời nói đó là những chìa khóa, khóa chặt con chim yến trong lồng son.
 Các cô gái ngày nay có thơ mộng đấy nhưng coi chừng cái thơ mộng đó. Khi yêu các cô cũng nói với người tình những lời phủ dụ “Em trao cho anh chìa khóa của trái tim em” Nhưng anh lúng túng, không biết mở, làm hóc ổ khóa thì em lại phải đi nhờ người khác mở. Cũng cái chìa đó thôi, nhưng người khác đó mang theo cái nhẫn kim cương thì trái tim em chắc chắn sẽ mở cái tách. Thơ mộng nhưng vẫn phải thực tế và nói theo ngôn ngữ bây giờ: Hiệu nghiệm lắm!
 Trong đời sống thì chìa khóa vô hình luôn luôn được nhắc đến trên miệng của cha mẹ, thầy giáo, bạn hữu, doanh nhân như: Học vấn là chìa khóa của thành công; Tiền là chìa khóa để thăng quan, tiến chức (trong nước bây giờ áp dụng câu này thì không sai vào đâu được.) Có chí và kiên trì là chìa khóa mở được bất cứ cánh cửa nào khó mở đến đâu.
 Chìa khóa còn đi vào trong tôn giáo nữa. Người Thiên Chúa Giáo nào mà không ít nhất một lần trong đời mình nói đến chiếc chìa khóa của Thánh Phêrô (St. Peter). Ai cũng chỉ mong sau khi chết, được ngài ra đón hồn mình vào với chiếc chìa khóa mở cửa thiên đàng. Chiếc chìa khóa này được minh họa trong tay Thánh Phêrô rất to, to hơn nhiều so những chiếc chìa khóa cửa, khóa cổng trần gian và được mạ vàng sáng lấp lánh.
 Có chiếc chìa khóa cho đi, nói lên được lòng tin yêu gửi gấm. Như chiếc chìa khóa cha mẹ vợ tặng cho chú rể trong ngày rước dâu: “Đây là chiếc chìa khóa nhà mình, cha mẹ tặng cho con, nhà này cũng sẽ là nhà của con, con có thể đến và ở lại bất cứ lúc nào. Ngay cả lúc cha mẹ đi vắng.”
 Con gái yêu của mình còn cho được thì tiếc gì cái nhà, cái cửa.
 Chiếc chìa khóa cũng nói lên lòng tin cậy giữa hàng xóm với nhau, gửi nhau chiếc chìa khoa khi đi vắng nhà vài tuần. Bạn bè đưa cho nhau chìa khóa để khi ở xa đến chơi, đi về cho tiện. Nói lên tình thương yêu của người mẹ, lúc nào cũng có chìa khóa nhà con trong túi để mang thức ăn sang cho con khi con đi làm chưa về. Người cha có chìa khóa nhà con, khi gia đình con đi vacation, sang cắt cỏ, sang lấy thư, nhặt báo cho con.
Chiếc chìa khóa đôi khi mang theo cả một nỗi ngậm ngùi của quê nhà xa lắc. Một người bạn gái của tôi kể lại: “Tôi bảo lãnh cha tôi sang Mỹ được tám tháng thì cụ mất. Lúc soạn lại đồ riêng tư của cụ thì trong túi quần áo thấy có một chiếc chìa khóa. Tôi nghĩ đó là chiếc chìa khóa căn nhà cũ của tôi, nơi cụ ở lại cho đến ngày đi.” Nghe câu chuyện mà nhỏ lệ.
Chìa khóa cũng đi cả vào trong thi ca nữa.
 Một thi sĩ người Chili cũng có những giòng thơ rất lãng mạn về chìa khóa
                     Họ nhìn rõ
                     trong túi quần nặng trĩu của anh
                     những chiếc chìa khóa trong căn nhà em trọ
                     những chiếc chìa khóa
                   để mở trang giấy viết, mở ánh trăng trong đám hoa nhài
                     mở bài ca hát bên ngọn thác
                     và em, em chẳng cần thốt lên tiếng nói (1)
Có những dòng thơ khác không nói đến chìa khóa, chỉ nói đến những cánh cửa tình yêu cần được mở giữa hai người. Chắc là một người đã đi xa lắm, mãi chẳng thấy về.
                     Tình hai ta như nhà cửa khép
                     Như tranh tĩnh vật treo trên tường
                     Ngàn năm tranh không lên tiếng nói
                     Mở hộ em từng cánh cửa buồn

                    Hãy mở cho em những cánh cửa
                    Từng gian im lặng của hai ta
                    Căn nhà nhỏ sao mênh mông quá
                    Bóng tối mang trái tim đi xa (2)
 Nguyễn Công Trứ ngày xưa cũng không làm thơ cho chìa khóa, thi sĩ làm thơ cho cánh cửa nhà mình. Thơ không mơ mộng gì, vì lúc đó cụ đang nghèo. Cụ không bao giờ đóng cửa nhà khi tối trời, cụ đi ngủ mà cửa mở toang. Chắc chắn cụ không có chìa khóa trong túi bao giờ.
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch/ người quân tử ăn chẳng cầu no/Đêm năm canh an giấc ngáy o o /đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ. (Hàn Nho Phong Vị Phú)

Tôi nghĩ chẳng phải thời thái bình không có ăn trộm đâu, chẳng qua do nhà quá nghèo, trộm có viếng cũng chẳng có gì mà lấy.
 Đầu kèo mọt đục vẽ sao
Trước cửa nhện giăng màn gió (HNPVP)
Nhà như thế, khóa làm gì, để mất chìa, rồi lại cả ngày phải đi tìm?
Thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm không nhắc đến chìa khóa, đến cửa, nhưng nói cho mọi người biết cụ đã dọn vào một nơi rất vắng vẻ, một cánh rừng toàn tre với trúc chẳng hạn: Miệng ăn măng trúc măng mai. Cửa và khóa hoàn toàn không cần thiết.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.(Cảnh Nhàn)
Cả hai thi sĩ trên, chùm chìa khóa của họ chính là những bài thơ mở từng cánh cửa đời sống hàng ngày của mình.
Trong những truyện thần tiên cho trẻ em, chìa khóa còn mở được cả những kho tàng, những chiếc rương toàn châu báu, vàng bạc. Những chiếc chìa khóa này đôi khi chỉ là một câu thần chú. Tha hồ các em mơ mộng.
 Có bao giờ bạn ngồi nhớ, đếm lại những chiếc chìa khóa trong đời mình chưa? Chắc là nhiều lắm! Và chiếc chìa khóa của ngôi nhà hiện tại bạn sẽ giao lại cho ai? Vì khi chúng ta dọn vào trong ngôi nhà cuối cùng, chúng ta không cần chiếc chìa khóa nào cả, hai cánh cửa vẫn mở thật rộng đón chúng ta vào.
 Và khi cánh cửa đó khép lại sau lưng, chẳng còn chiếc chìa khóa nào cần thiết nữa.
 6/2014
(1) Thơ Pablo Neruda: They see/through my heavy trousers /the keys to your door/ the keys to writing paper, to moonlight/ among jasmines, /to the song that sings in the waterfall./ And you without opening your mouth speaking. (Ode To A Secret Love –tmt dịch)
(2)  Thơ- Mở-tmt

RA VƯỜN

Sáng sớm, anh tôi gọi điện thoại mời sang ăn điểm tâm, anh nói:
-    Cô sang ăn điểm tâm, bánh cuốn. 
-    Chị đâu?
-    Đang ở ngoài vườn, nhắn cô sang lấy rau. Cô ra đó hái rau, bà ấy chờ đấy, rồi về đây ăn sáng.

Tôi vội vàng rời cái bàn phím, nhìn qua vào gương một chút, chải lại đầu cho tươm tất rồi lấy chìa khóa ra xe.

 Nhà anh chị tôi ở trong khu nhà trợ cấp của chính phủ. Cách nhà tôi năm phút lái xe. Tôi lái thẳng ra vườn rau của chị. Từ nhà chị đi bộ ra vườn khoảng ba phút.

Sáng sớm trong vườn chưa có ai, chỉ có mình chị đang lom khom xới đất. Tôi cho xe vào bãi đậu, mở cổng vườn. Cái cổng có tấm bảng gỗ nhỏ treo mấy chữ rất thân thiện: Cổng vào cho hội viên và khách của họ (Gate for members and their guests.)

Đó là một khu vườn của thành phố cấp cho dân trong cộng đồng.Vườn  khá rộng, chia ra khoảng gần 20 mảnh, mỗi mảnh có diện tích 12 x 20 feet. Để được trồng trọt trên những mảnh vườn này, cư dân phải thuê với giá $60 cho một năm. Được cung cấp nước tưới cây miễn phí.

Nói là một năm, nhưng thật ra là cho mấy tháng mùa hè. Ở Seattle từ cuối tháng ba người ta vỡ đất và trồng trọt hoa, rau, cho tới cuối tháng chín. Đầu tháng mười,  Seattle bắt đầu lạnh  mùa thu trở về rồi, tháng của lá rụng, thay màu, không ai nghĩ tới trồng trọt nữa.

Những người ở chung cư hay ở trong khu nhà trợ cấp của chính phủ trong thành phố, phần đông không có vườn, nếu thích trồng hoa hay rau thì thường thuê những mảnh vườn nho nhỏ này, gọi là Community P-Patch. Những người Mỹ luống tuổi,  họ thuê mảnh vườn không trồng rau mà chỉ trồng hoa để cắt mang vào nhà hay để ra đó ngồi ngắm.

Tháng sáu, hoa đã nở rộ: Cúc, lay-ơn, thược dược nhiều mầu, xen kẽ với mầu xanh ngọc của rau trông thật ngoạn mục.

Trong buổi sáng của ngày đầu hạ, bước vào khu vườn công cộng này, thấy một chiếc nón lá Việt Nam đang lum khum cuốc đất, với tôi, là một hình ảnh thật đẹp.

Tôi mở cổng bước vào, hai chị em chào hỏi nhau, chị nói: “Xong một lứa rau rồi, tôi lại xới đất lên, gieo xuống lứa hạt mầm khác.” Chị chỉ cho tôi xem mảnh nào là cửa người Việt, mảnh nào là của người Lào, người Nga, người Mỹ.

Tôi bồi hồi đứng ngắm những mảnh vườn của mỗi sắc dân. Người Việt mình trồng cải cúc, cải xanh, dấp cá, thìa là, ngò, xà-lách; người Nga, người Mỹ trồng củ cải đỏ, cà tím, bí rợ, cần tây, khoai tây, ngô; người Lào phần đông trồng hoa để cắt bán.

Những người làm vườn ở đây, họ như mang cả quê hương mình trồng trên mảnh đất nhỏ nhoi xa lạ này. Dân tộc họ hay ăn loại rau củ nào họ trồng loại đó.

Ở góc trái của khu vườn có dựng một cái nhà mát trống trải, bốn bề không vách, mái gỗ. Có kê cái bàn gỗ tròn và những cái ghế, cái băng dài. Chị tôi kể, có hai vợ chồng người Mỹ già, buổi trưa nào mát trời, họ mang cà phê thức ăn nhẹ ra đây ngồi lâu lắm. Họ vừa ăn vừa ngắm cả khu vườn đầy mầu sắc như chiếc áo được may bằng những miếng vải khác nhau của các sắc dân mang tới.

Chị chỉ hai mảnh vườn bên cạnh, xanh biếc, dầy đặc những cây rau xà-lách tròn, to.

-   Con cháu bà Tâm trồng đấy, buổi chiều đi làm, đi học về, hai mẹ con ra chăm sóc mảnh vườn. Chủ nhật cắt rau mang ra nhà thờ bán cho những người đi lễ tan ra. Bán một lần mấy chục cây chứ không ít đâu. Cứ mỗi cây một đồng, thì lấy vốn về ngay rồi.

A, người Việt mình hay thật, đi tới đâu cũng mang theo cái tính cần cù, nhặt nhạnh, tiết kiệm. Cái tính rất Việt Nam này thật đáng quý.

Tôi đã nhìn thấy khá nhiều lần một “Bà mẹ quê” bán rau ở khu phố đông người Việt. Nhiều nhất ở Cali và ngay cả ở Seattle này. Bà ngồi ngay trước một tiệm ăn, hay tiệm tạp hóa (Dĩ nhiên là phải tiệm của người Việt)

Bà xếp trên mặt cái thùng úp ngược: những bó rau cải, rau thơm, quả bầu, quả bí bà hái trong vườn nhà. Nhìn bà từ đầu tóc, quần áo đến hai bàn tay bao giờ tôi cũng thấy lòng tràn xúc động. Tôi biết, con cháu của bà có thể đã nhiều lần phản đối về việc làm này. Nhưng không cho bà mang rau ra phố bán thì bà buồn lắm, bà có thể sanh bệnh. Rau này do chính tay bà trồng, chính tay bà cắt, bà mang cả quê hương vào trong những giọt nước tưới cây. Bà ngồi đây, bên cạnh những mớ rau của bà, là một bằng chứng bà có thể bỏ quê hương mà đi nhưng quê hương không thể tách ra khỏi bà.

Giản dị thế thôi. Con cháu phản đối, cuối tuần vẫn phải sáng đưa bà ra, chiều đón bà về. Bán được đồng nào bà nhờ con cất đi, để cuối năm bà có tiền về quê ăn tết, hay ít nhất cũng gửi được ít tiền về cho những người bên nhà ăn tết. Ở bên quê nhà có ai biết những đồng tiền đó ở đâu ra không nhỉ?

Tôi nhớ, đã lâu lắm rồi, từ hồi còn sống ở California, tôi đi mua giò chả ở một Deli. Nhìn thấy một bà cụ chắc cũng phải ngoài bẩy mươi rồi. Cụ ngồi bán rau cải xanh, rau thơm, rau ngò, mấy quả bí ngay trước cửa tiệm. Cái hình ảnh đó dễ thương lắm! Tuy không cần mua gì tôi cũng ngồi xà xuống hỏi chuyện cụ.

Cụ người Nam Định, vào Nam năm 1954. Hai vợ chồng trẻ với bốn đứa con lập nghiệp lại ở Thủ Đức. Hai cụ có vườn rau cả hai ba mẫu đất, trồng đủ mọi thứ rau, củ, cung cấp cho những chợ nhỏ ở chung quanh đó. Năm 1975 cho các con đi theo gia đình một người em, hai cụ ở lại vì tiếc vườn rau. Cụ nói, lúc đó tôi tưởng cho các cháu đi độ vài năm thì về, ai ngờ chúng không về được nữa.Vườn rau mấy mẫu đất bị tịch thu. Nhà nước đuổi ra ở cái chòi cuối vườn, nơi chúng tôi vẫn giữ những cái cuốc, cái xẻng làm vườn.

 Rồi ông nhà tôi mất, các con nhất định ép tôi sang đây. Cả ngày chẳng có việc gì làm, con cháu đi hết, tới chiều tối mới về, bạn hàng xóm không có. Tôi khóc đòi về Việt Nam, nhưng chúng không cho. Cuối cùng anh trưởng, anh ấy nói: “Mẹ nhớ vườn đấy mà.” Rồi anh ấy mua gỗ đóng mấy cái hộc ngoài vườn, đổ đầy đất, phân bón, dắt tôi đi mua hạt giống.Thế là tôi có công việc làm cả ngày. Đỡ nhớ nhà cô ạ, mà lại có tiền gửi cho các em, các cháu tôi ở Việt Nam. Cụ kể xong, cố nén một cái nấc, mắt nhìn đăm đăm vào một khoảng không trước mặt. Tôi lặng lẽ đặt tiền rau vào tay cụ, lặng lẽ đứng dậy đi, không dám quay đầu nhìn lại.

Chị tôi kéo tay tôi ra khỏi suy nghĩ.
-    Tôi cắt cho cô ít cải cúc và hai cây xa-lách rồi. Mình đi về, kẻo anh ấy chờ.

Ai đó đã nói: “Nơi tốt nhất tìm ra Thượng Đế là ở trong vườn. Cứ đào đi Ngài trong đó đấy” (*)

Chúng ta có thể tìm mãi vẫn chưa thấy Thượng Đế trong vườn, thì chúng ta thử tìm những mảnh tim của những bà mẹ quê Việt Nam này xem. Nó rải rác khắp nơi trong mỗi gốc rau. Đôi khi chúng ta cũng nhặt được mảnh tim của bà mẹ Nga, bà mẹ Lào, bà mẹ Mễ trong ngôi vườn đầy sắc tộc này. Đừng gạt sang một bên.
Hãy chia yêu thương đồng đều cho những mảnh tim lưu xứ chúng ta nhặt được. Thượng Đế trốn trong đó đấy.
6/2014
(*)  The best place to find God is in a garden. You can dig for him there.(George Bernard Shaw)