Thursday, June 19, 2014

HOA ĐẠO

                                 Tặng anh Nguyễn Thúc Quýnh với lời cám ơn

Nếu tôi có một ổ bánh, tôi sẽ bẻ một nửa cho người nghèo, còn nửa kia tôi bán đi mua cho linh hồn tôi một bông hoa huệ
Ngạn ngữ Hindu

Trước khi tạo nên loài người Thượng Đế đã tạo nên cây cỏ. Thượng Đế hiểu rằng cây cỏ hoa lá sẽ là người bạn mà con người lúc nào cũng cần, cũng muốn có bên mình. Mặt đất nói chung, không nơi nào mà không có hoa, tự nó mọc hay người trồng. Hoa được đãi ngộ đặc biệt vì hoa có tiếng nói riêng, người ta dùng âm thanh, hương, sắc của hoa để nói thay mình. Hoa cỏ dùng để dâng lễ, để chung vui, để tỏ tình, để chia buồn. Người ta dùng hoa để nói lên một điều thầm kín khó tỏ bằng lời, để tâm sự, để tĩnh lặng, để trò chuyện. Một bông hoa đơn lẻ cắm ở một cái bình trong suốt để vào góc phòng chính là người bạn nhỏ cho ta chia xẻ sự hiu quạnh. Hay ôm một bông hoa trong ngực như ôm cả tình thương của cha mẹ vào lòng mà người ta tìm thấy trong Cổ Thư Nhật, một câu thơ của người lính đi gác ngoài biên trấn:

 Ôi cha mẹ thân yêu
 Làm sao con có thể
 Ôm thật chặt mẹ cha
 Trên bước đường rong ruổi
 Như những bông hoa nhỏ
 Con đang ôm trong lòng (1)

Người Nhật, ngoài sự yêu thích hoa, đã đem nghệ thuật cắm hoa lên hàng nghi lễ, và nghệ thuật đó được gọi là Hoa Đạo. Hoa Đạo là sự trân trọng với hoa, coi hoa như đối tượng ngang hàng hoặc hơn mình, cư xử với hoa như cư xử với người bạn. Người Nhật không chỉ ngắm hoa suông mà còn trò chuyện với hoa, gửi gấm mình vào cách cắm hoa. Đặt một bông hoa xuống bình cắm là đặt  lòng của mình vào chiếc bình đó. Do đó ở Nhật các hãng xưởng đều để dành thì giờ cho nhân viên đi học lớp cắm hoa. Khi có “Hội Hoa” hay “Lễ Hoa” có làng đã đóng cửa các công việc cho mọi người trong làng đi dự như tín đồ đi hành “Đạo”.

Vậy “ĐẠO” là gì? Lão Tử nói: “Có một cái Nó bao gồm hết thẩy, Nó sinh ra trước khi trời đất có. Nó yên tĩnh biết bao! Nó trơ trọi biết bao! Nó đứng một mình và không thay đổi. Nó hồi chuyển về bản thể của Nó không một chút nguy hại, và Nó là MẸ của vũ trụ. Ta không biết gọi tên Nó là gì, nên gọi Nó là Hành Lộ, là Đường Đi (The Path). Miễn cưỡng, ta gọi Nó là VÔ CÙNG TẬN.”

Tại Nhật hiện nay có khoảng 3000 trường dậy về nghệ thuật cắm hoa gọi là Ikebana. Riêng trường Ikenobo mỗi năm có khoảng một triệu rưởi sinh viên theo học. Hai trường khác là Shogetsu và Ohara, mỗi trường có một khoảng một triệu sinh viên. Theo thống kê chính thức thì cứ 100 người Nhật, có 10 người đi học cắm hoa.

Ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của chữ Ikebana. Ike là xếp đặt, sống, đặt vào vùng ánh sáng đẹp nhất. Bana là Hoa. Nguyên nghĩa của chữ Ikebana là Sinh Hoa (hoa tươi). Nếu một chậu hoa chỉ cắm toàn hoa khô, cành khô không được gọi là Ikebana. Những cành Sinh Hoa phải do óc sáng tạo của người làm cho nó trở nên đẹp nhất, nghệ thuật ở chỗ như không có nghệ thuật, vì nghệ thuật đó ẩn vào trong, hoàn toàn không hiện ra ngoài. Ý nghĩa chính của một vườn hoa Nhật là cố gắng đem thiên nhiên ở ngoài vào trong, tạo dựng lại vẻ đẹp nhất của thiên nhiên, trong đó, bàn tay nhân tạo càng được che kín bao nhiêu càng tốt. Dù là Tea-Garden nơi chùa chiền Phật Giáo hay đền thờ Shinto Giáo hay County-yard Garden của khách sạn, hay các hoa viên ảnh hưởng tây phương, để đạt được mỹ thuật của “Hoa Đạo”, người ta phải làm sao tạo được cảm giác về thiên nhiên lớn hơn không gian có được. Một thế giới mà con người ở chung nhà với thiên nhiên.

 Cái hoàn mỹ đó đến từ sáu nguyên lý của Hoa Đạo. Đó là:

 - Wa - Hòa: Sự hòa hợp giữa người với người, người với thiên nhiên, người với trời đất, hòa hợp giữa âm và dương. Giác quan, cảm giác và trí tuệ, hình thể, mầu sắc, sự hé nở và tàn héo, bình cắm hoa, gian phòng và bốn mùa, tất cả phải hòa tan trong nhau không hơn không kém. Không dấu hết, cũng không phô ra hết.

 - Furyu - Nghĩa đen là gió thổi: Ý nghĩa trong Hoa Đạo là hoàn mỹ của cái không hoàn mỹ như cành Đào lão (vẻ đẹp mơn mởn tươi mát của những cánh hoa trên một cành già cong queo). Con chim đáng yêu đầy sức sống đậu trên một cành cây chết; Hạnh phúc và đau khổ; Sống và chết; Yêu và ghét.

 - Wabi - Cái đẹp của sự đơn giản: Một bông hoa nếu được cắm đúng cách có thể mang nguyên được cả mùa hạ vào trong nhà. Ông Suzuki, thầy dậy cắm hoa nói: “Chỉ một nhánh lau cũng nói lên hướng gió, giống như một bài diễn thuyết dài đôi khi không có giá trị truyền thông bằng sự biểu lộ của nét mặt hay cơ thể.”

Khi tôi nằm trên cỏ
Bên cạnh Musashi
Chỉ bông hoa bé tí
Cũng lớn hơn Fuji  (2)

 - Fukinsei - Cái cân đối của sự không cân đối: Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy không bao giờ có hai cửa sổ trong cùng một căn phòng của kiến trúc Nhật có chiều cao bằng nhau. Đường tam giác trong cách cắm hoa Ikebana không phải là một tam giác đều. Theo người Nhật, sự cân bằng trong nghệ thuật quá “tĩnh” nó như cái luật áp đảo lên thiên nhiên. Giống như một bó hoa quá đều đặn sẽ không có chỗ cho ý nghĩ của con người. Cái gì không quá tròn trịa, chưa hoàn tất sẽ đưa con người muốn bắt tay vào, muốn thêm ý nghĩ, muốn tìm kết thúc (như phim La Sinh Môn). Trong khu vườn Nhật hai năng lượng Âm và Dương lúc nào cũng có mặt, tự nó một mình không đồng đều, hoàn hảo. Kết hợp Âm và Dương sẽ đem lại sự cân bằng. Sự cấu tạo nghệ thuật luôn luôn có một “sức mạnh vô hình” như khi ta nhìn mặt trăng khuyết vậy. Người chiêm ngưỡng phải có trí tưởng tượng để thưởng thức cái cân đối của sự không cân đối.

 - Shizen - Gần gũi với thiên nhiên: Người Nhật luôn nghĩ mình là một phần của thiên nhiên như cây cỏ, đồi núi, ao hồ. Ikebana phản ảnh bốn mùa và thay đổi theo mùa. Lịch sử Nhật Bản với Thần Giáo (Shintoism) cũng đặt thiên nhiên là trọng tâm. Khi chiêm ngắm quang cảnh thiên nhiên như những huyền diệu của đời sống. Lý (reason) và Trí thức (knowledge) không còn kể đến, Kimochi xuất hiện. Kimochi là cảm giác mãnh liệt với thiên nhiên. Một câu thơ của Fujiwara Sada(1116-1241) cho ta thấy cái cảm giác mãnh liệt đó nó “thơ” đến thế  nào:

 Hương thơm của hoa mận
Vương vào tay áo em
 Ganh đua cùng trăng sáng
 Nhỏ qua cả mái hiên (3)

  - Hakanai - Tinh thần chuyển hóa, mọi vật đều đổi thay: Con người thay đổi được ngoại cảnh. Đền thờ của quốc gia Nhật, thờ Thái Dương Thần Nữ (Amaretasu) tuy ở giữa rừng nhưng hàng năm vẫn có nhiều triệu người về hành hương. Ngôi đền làm bằng gỗ Hinoku (một giống cypress ở Nhật), vỏ cây thông thì dùng làm ngói. Đền đã có trên 1000 năm. Cứ mỗi 20 năm ngôi đền được thay thế hoàn toàn mới, nhưng đúng hệt như cũ từ cái chốt, miếng ngói. Sau khi ngôi đền mới được làm xong, tất cả những cây gỗ tháo xuống từ ngôi đền cũ được chẻ nhỏ ra để tặng cho khách hành hương. Không người Nhật nào nghĩ là ngôi đền mới có giá trị hơn ngôi đền cũ. Đây là cách biểu lộ của lòng tôn kính với tiền nhân và sự hiểu biết về tinh thần chuyển hóa, mọi vật đều đổi thay.

 Hoa cũng thay đổi được con người. Hoa mang lại cho con người: An bình, Lạc quan, Yên tĩnh, Sức sống và Hòa hợp. Đối với người Nhật, mùa hoa Anh Đào rất quan trọng. Bởi vì Anh Đào chỉ nở trong thời gian rất ngắn. Giống như câu chuyện hạnh phúc và thời gian của Kangero. Kangero là một giống sâu, sống dưới đất bảy năm thì chuyển hóa thành một giống có cánh như bướm, bay trên trời bảy ngày rồi chết. Vấn đề ở đây là ta sẽ chọn bảy năm ở dưới đất hay bảy ngày ở trên cao. Có khác gì ta cắt một cành hoa Ikebana (sinh hoa) ở ngoài vườn đem vào nhà làm sống lại thiên nhiên được vài ngày rồi bỏ vào thùng rác.

 Nghệ thuật cắm hoa là khi ta cầm một cành hoa trên tay (sinh hoa) ta hãy ngắm nó như một sinh vật có hơi thở. Đi tìm cái linh hồn của thiên nhiên ta sẽ có cơ hội tìm ra được hồn của chính mình. Ikebana chính là một bài thơ của những bông hoa. Khi chúng ta hòa tan được vào hoa là chúng ta hòa tan vào đời sống. Đời sống của hoa rất ngắn nhưng khi được mang vào nhà với sức sáng tạo mỹ thuật của con người, dù ta dùng hoa vào việc vui hay buồn, hoa cũng chỉ sống có vài ngày, nhưng vài ngày đó là thời gian đẹp nhất để cho người và thiên nhiên giao cảm. Một bài thơ thực sự của đời sống sẽ được sinh ra.

 Hoa! Hoa! Hoa!
 Hoa đám cưới
 Hoa đám tang
 Hoa cười Hoa khóc rơi đầy áo
 Chiếc lá hồn tôi
 Cũng ngỡ ngàng. (tmt)

1 Thơ Nhật, tác giả dịch từ bản Anh Ngữ
2 Thơ Nhật, tác giả dịch từ bản Anh Ngữ
3 Thơ Nhật, tác giả dịch từ bản Anh Ngữ