Tuesday, June 10, 2014

Ở LỚP SẢN KHOA

Lớp Hướng Dẫn Sản Khoa có bốn kỳ vào mỗi chiều thứ năm, từ bốn giờ đến sáu giờ. Những người đến học là những phụ nữ mang thai sắp vào thời kỳ sanh nở. Phụ nữ Mỹ thường có chồng cùng đi theo vào lớp. Phụ nữ Việt thì đi một mình, phần đông là sanh con so. Họ thường có ý nghĩ "Trời gói thì Trời mở" cần gì phải đến lớp học. Các cụ ngày trước có ai đi học đâu mà vẫn “mẹ tròn con vuông." Người đàn ông Việt Nam thì chuyện vào buồng sanh cùng với vợ là điều rất hạn hữu

Lớp học khóa này chỉ có sáu phụ nữ gồm Mỹ, Phi và Việt. Người Việt duy nhất là một cô còn rất trẻ, ở tuổi học trung học, nên lớp kỳ này hướng dẫn bằng Anh ngữ. Cô bé tên Lan, đang học lớp mười hai. Đặc biệt mỗi lần cô đến lớp, đều có người bồ đi theo. Tôi thấy ở giấy điền đơn, cô biên tên Joe vào chỗ ô có chữ "partner." Người đàn ông đó bao giờ cũng đến trễ hơn cô độ hai mươi phút. Có lẽ ông ta từ chỗ làm ra. Tôi đoán ông ta làm công việc thuộc về xây cất vì lần nào tôi cũng thấy cái quần Jean và áo thun của ông dính xi măng hoặc vôi, sơn. Đặc biệt là hai bàn tay sần sùi, to với những đầu ngón tay có hình vuông, bàn tay của người làm công việc nặng nhọc.

Ông đến ngồi sau cô, im lặng nghe giảng. Ông có vẻ hiểu Anh ngữ tường tận (không thấy ông ấy phải hỏi lại cô bé điều gì). Tôi nghĩ ông không phải là người Việt Nam. Trông ông giống một người Mễ, thân thể ông vững chắc, to ngang so với người Việt, nước da ông ngăm ngăm, tóc ông hoa râm. Ông ấy già hơn cô bé nhiều quá. Điều này làm tôi hơi khó chịu (một sự khó chịu thật là vô lý). Khi chúng tôi thực tập một vài động tác cho các bà thì các người chồng đều tham dự sốt sắng, kể cả ông Joe (partner của cô bé), ông cũng làm massage lưng và chân cho cô, ông tập thở cùng cô, ông đỡ cô đứng lên, ngồi xuống, ông ngồi tĩnh tâm cùng cô như tất cả những ông chồng trẻ tuổi. Tôi nghĩ bụng: Ít ra thì cũng phải thế! Mỗi lần ra về, họ đi bên nhau. Một già, một trẻ, trông ông vững chắc như một ngọn núi (trên đỉnh có tuyết phủ) đi bên cạnh cô. Cô bé nhỏ, như dựa hẳn vào ông. Lòng tôi thấy nao nao. Cô bé này chỉ vào tuổi con gái tôi. Cái tuổi còn ăn, còn chơi, ăn chưa no, lo chưa tới, đã phải mang vác cái trách nhiệm làm mẹ. Tội quá!

Có vài lần tôi định gợi chuyện với ông, muốn biết rõ về cả hai người, nhưng ông đều né, mỗi lúc tôi định lại gần. Và cô bé Lan thì chỉ đến ngay lúc lớp bắt đầu và ra về ngay khi lớp tan. Có khi hai người quên cả chào tôi, hoặc chỉ chào rất ngắn bằng tiếng Mỹ “Bye” rồi bước ra cửa lớp, không ở lại uống nước hay ăn bánh như những học viên khác.
Buổi học cuối cùng, tôi dặn các bà mẹ và ông bố tương lai là khi nào sanh xong, ở bệnh viện về xin gọi ngay cho tôi, để tôi sẽ cùng y tá đến thăm tại nhà.
Ba tuần sau, Lan sanh một cậu con trai, cô gọi điện thoại cho tôi. Khi tôi hỏi cô bằng tiếng Việt, cô nói bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng có pha một câu tiếng Mỹ.
- Lan sanh có đau lâu không?
- Cháu đau gần mười tiếng.
- Thế Joe có vào buồng sanh với cháu không?
- Có, him giỏi lắm. Nhắc cháu breathe, dắt cháu đi bộ và còn thức cả đêm hôm qua với baby.
- Nói với ông Joe là cô có lời khen, ông ta là một người chồng tốt.
Lan cười to:
- Cô lầm rồi, him là father của cháu, cháu không có chồng. Boyfriend của cháu đã đi tiểu bang khác khi biết cháu có baby trong bụng.
Tôi kêu lên trong đầu: “Chúa ơi! Tôi lầm to quá. Tôi thật có lỗi với ông bố Việt Nam này!”. Nhưng sao ông Joe biết tôi cũng là người Việt Nam mà ông lại không chuyện trò với tôi. Chắc là ông muốn mang vác gánh nặng một mình. Tôi do dự một giây rồi hỏi Lan:
- Thế chỉ có hai bố con thôi à, mẹ cháu đâu?
- Mẹ cháu ở Việt Nam. Cháu đi sang đây với father cháu năm năm rồi. Mẹ cháu có husband khác rồi.
Tôi không hỏi tiếp nữa. Hẹn sẽ đến thăm Lan vào ngày mai cùng với y tá. Thế nào tôi cũng phải tìm dịp làm quen, nói chuyện với ông Joe. Ông là một ông bố Việt Nam tuyệt vời.
Tôi học được rất nhiều điều ở nơi tôi làm việc. Và tôi cất tất cả những điều đó vào trong sách. Giống như ngày còn đi học tôi dùng sách để ép hoa.