Saturday, June 14, 2014

NGÔI NHÀ BÊN SÔNG HỒNG

             Gửi các anh chị họ Trần ở Yên Bái

Tôi bay một chặng bay mười sáu tiếng trên không gian từ Hoa Kỳ về Việt Nam, bay qua bao nhiêu đám mây, qua bao cánh rừng, rặng núi, sông sâu, biển rộng, và những nóc nhà. Tôi đi một chặng xe ca bốn tiếng trên mặt đất từ Hà Nội về Yên Bái, qua thành phố, qua xóm, qua làng, những thửa ruộng, vườn rau, bãi mía, nương khoai. Cuối cùng, tôi về tới nơi tôi mong ngóng, nơi có bao nhiêu người thân tộc mà gần nửa thế kỷ tôi không liên lạc được.

Ngôi nhà của người anh họ tôi nằm song song với sông Hồng. Ai đó đã bưng đến trước mặt tôi một thau nước cho tôi tẩy sạch bụi đường. Tôi soi mặt mình vào chậu thau đựng nước vừa kéo lên ở giếng, nước giếng có mầu hồng, để im một lúc, một lớp phù sa mầu hồng đậm lắng xuống đáy chậu, chiếc khăn mặt trắng tôi nhúng xuống cũng nhuộm mầu hồng nhàn nhạt. Tôi nhìn đăm đăm vào chậu nước, tất cả tĩnh lặng, êm ả, mềm mại như một bài thơ thiền viết trên lụa. Tôi đẫm mặt mình vào vốc nước hồng, nước thấm vào da mát rượi, tôi úp mặt rất lâu vào chiếc khăn sũng nước, nước mắt tôi ứa ra, tôi chắc nước mắt cũng pha hồng.

Những con gà đi chung quanh sân nhặt sâu trong lá, cỏ, thỉnh thoảng cất cổ lên, nghếch mắt nhìn khách lạ, tiếng quãy đuôi của một con cá trong cái ao nhỏ trước nhà làm con chuồn chuồn đang đậu trên một cọng lau cất cánh bay đi. Cái chuồng chim treo ở một nhánh cây táo có hai con chim mầu nâu nhạt, đang nhẩy lên nhẩy xuống chiếc then ngang tạo những tiếng động nho nhỏ, đủ gọi người đi qua chú ý. Sau lưng tôi, năm ba người đàn bà ngồi nhặt rau bí, rau vừa hái ngoài vườn vào, đổ tung ra một khoảng sân, trước cửa bếp. Họ xúm lại, tước sơ, vò lá. Tôi biết chốc nữa trên mâm cơm sẽ có đĩa rau này và những miếng rau sẽ cho tôi cái ngọt ngào như thế nào! Tôi như ngửi trước được mùi tỏi hăng hăng sẽ đập dập vào rau thơm ngát. Tiếng bát đũa khua vui trong chái bếp, khói bay ra mang theo mùi hương lạ, mùi khói của lá khô, cành nhỏ đã bao lâu tôi không được ngửi. Khói bếp như một giải lụa mầu xám bay ra, bay thẳng vào không gian trong vắt của một ngày đầy nắng. Chàng như mây mùa thu / Thiếp như khói trong lò / Cao thấp tuy có khác / Một tỏa cùng tuyệt vời.

Có tiếng ủn ỉn của con heo trong chuồng sát ngay cạnh bếp, đòi ăn, mà không ai để ý. Một người con gái vừa ở ngoài đồng về, khuôn mặt như một vừng trăng, một vừng trăng mỏi mệt, mà vẫn đẹp. Trên vai cô gánh hai sọt rau muống, quần xắn cao sát đầu gối, hai bắp chân nâu hồng khỏe mạnh có dính những mảng bùn khô. Cô đặt gánh xuống, chạy ngay vào bếp lấy ra một con dao, cắt đầu già của những cọng rau muống, quẳng vào chuồng lợn. Con lợn sung sướng kêu ủn lên một tiếng muốn bể cái mũi ngắn tủn, trước khi vục chúi vào nắm rau.

Tôi rửa mặt xong, theo đám con nít ra vườn rau, vườn cây trái của nhà. Vườn rau nằm sát sông. Bãi cát chạy dài như một như giải lụa hồng xa ngút mắt. Nước sông đang xuống nên lớp phù sa mênh mông, thoai thoải, ta có thể đi bộ ra gần mé nước, rồi bước hẳn vào trong nước như đang bước trên sông Hồng! Tôi tháo giầy, giẫm hai bàn chân trần trên lớp phù sa mầu hồng, mềm và mát như thạch, cát pha nước nên loãng như mây, lúc có lúc không, những ngón chân nhỏ lún sâu vào phù sa cũng được nhuộm hồng. Những bàn tay của ai đó kéo tôi bước dọc theo sông, hết một quãng dài lại quay lưng đi lại, nên đi hoài vẫn không thấy hết một khúc sông. Bên kia bờ xa tắp là những khóm cây gì tôi không biết, chỉ thấy một mầu xanh ngằn ngặt, mầu xanh loang xa, loang rộng hắt xuống mầu hồng của phù xa, chỗ này một mảng, chỗ kia một mảng. Tôi ngước mắt nhìn lên trời, mới biết là mình đang đứng giữa hai đám mây, đám trắng nõn trên đầu và đám hồng dưới chân. Gió thổi nhẹ, hồn tôi bay. Ôi cha! Ôi mẹ! Ôi sông! Ôi quê nhà yêu dấu! Những giọt nước mắt ứa ra, chắc nước mắt cũng pha hồng.

Những cây đu đủ không cao lắm mà mang bao nhiêu là quả trên thân, một chú bé lên mười, nhanh nhẹn trèo lên một cái cây bên cạnh cây đu dủ, với tay sang, hái xuống một quả chín nhất, mang đến cho tôi, mời tôi bằng mắt. Đôi mắt nâu trong veo, nửa thân thiện, nửa ngập ngừng. Những khóm tre, khóm giang, khóm mai có cành cao vút, như muốn với lấy cụm mây trắng trên trời, có cành cong xuống như đưa tay ra cầm lấy tay tôi, dưới những gốc tre có những chồi măng nhú lên như một đàn em bé sơ sinh, nằm ngang, nằm dọc. Tôi chạnh nhớ đến câu thơ: Miệng ăn măng trúc măng mai. Những luống bắp cải đang lớn, từng cái bắp tròn trĩnh như đầu những đứa trẻ lên ba, đội những chiếc mũ mầu xanh. Rau lang, rau bí xanh um một vùng, thỉnh thoảng đám rau bí điểm những bông hoa vàng cánh mỏng, trông như đàn bướm mầu vàng từ đâu bay tới, đẹp quá! Mùa này đang có ngô non, những thân ngô cao hơn đầu tôi, đám trẻ dắt tôi đi vào trong đó. Lá ngô sắc như dao, xanh mầu bích ngọc, bắp ngô chưa lớn lắm, áo ngô còn mầu mỡ gà vàng nhạt, những hột non như hàm răng con nít vừa mới mọc. Gió thổi rất nhẹ, tiếng trẻ cười khúc khích, tiếng lá ngô hát, tiếng hát xào xạc chạm vào nhau. Hồn tôi hát, tiếng hát xào xạc chạm vào một cái gì không rõ rệt. Lá ngô, rau bí, khóm tre, hay sông Hồng? Hồn tôi chao đi vì tiếng hát, thân tôi chao đi như còn đang đứng ở giữa dòng sông.

Đám trẻ vây quanh tôi, cả trẻ con hàng xóm cũng nhập bọn. Chúng líu lo gọi tên và cắt nghĩa từng loại cây, loại rau cho người khách lạ. Về đây tôi được gọi là cô, là bà trẻ, tôi được bao phủ bằng tình thương yêu mộc mạc của gia đình, của làng xóm. Tôi cứ mụ người đi vì cái lưới vô hình êm ái đó chụp xuống tôi. Có tiếng gọi vào nhà. Hai ba mâm thức ăn đã bầy ra, trên bàn thờ có hình ông bà nội, cha, mẹ tôi, bác và chú tôi, những người đã qua đời. Các anh chị tôi, và con cháu quây quần để mừng đón tôi.

 Những người đàn ông và người đàn bà mà tôi phải gọi là anh, chị mặc những chiếc áo mầu đậm, làm họ trông càng già hơn tuổi. Họ đứng trang nghiêm nhìn tôi rưng rưng lệ. Hai anh lớn nhất, trông có nhiều nét giống bố tôi ngày trước, cũng cao cao, gầy gầy, khuôn mặt xương xương, làm tôi không ngăn được nước mắt. Ngày hôm qua ở Hà Nội, nếu tôi gặp họ, thì cũng như tôi gặp những người qua phố mà thôi, chắc tôi chẳng có một mảy may gì xúc động. Nhưng hôm nay họ đứng trước mặt tôi, nói cho tôi nghe những cái tên mà tôi nghe như tiếng chuông đồng vọng từ quá khứ. Chúng nhắc tôi nhớ đến khuôn mặt thân yêu của cha mẹ đã qua đời, những khuôn mặt của ông bà nội, của chú, của bác trong những tấm hình trắng đen trước đây vẫn thường bầy trên bàn thờ gia đình. Những tấm hình mà hồi bé, anh chị em chúng tôi mỗi ngày giỗ tết phải phụ cha mẹ lau chùi bụi bậm, xếp cho ngay ngắn lại cùng với hương hoa. Mỗi khuôn mặt trong hình sao mà thân quen thế, càng lớn càng thấy gần gũi với mình.

Bây giờ bỗng nhiên những người hao hao giống trong hình, đứng trước mặt mình rưng rưng nước mắt, làm tôi vừa bối rối vừa xúc động không biết người nào là thật, người nào là từ trong những tấm hình trên bàn thờ ngày xưa bước xuống? Nước mắt tôi trào ra. Tôi tưởng tượng ra nếu cha tôi còn sống, cha tôi sẽ hạnh phúc biết chừng nào khi được gặp lại những người con của anh ruột mình. Nhưng cha mẹ tôi bây giờ cũng chỉ còn ở lại trong những tấm ảnh, thân xác họ ở tận bên kia lục địa. Khói hương đang bay lãng đãng che khuất cả những khuôn mặt trong hình, cả những khuôn mặt người còn sống.

Người qua đời và người còn sống bỗng như đang ở chung cùng một thế giới. Tôi nhớ cha, nhớ mẹ đến cồn cào ruột gan! Nhưng sao không thấy đau đớn, chỉ thấy hình như mình được bọc trong một cái túi bong bóng, căng phồng thương yêu, làm cho nghẹn ngào, khó thở.

Ăn uống xong, tôi theo các cháu xuống bếp, hơi nóng trong bếp phà vào người như nhận được một vòng tay ôm lấy tôi. Tôi ngồi xuống cái ghế thấp trước cửa lò, cái lò bé xây bằng đất, trên có một ấm nước đang sôi, bếp đun bằng những cành cây nhỏ và lá khô, có hai con mèo con nằm khoanh vào nhau ngay sát một góc, chúng đang sưởi ấm. Tôi quơ tay mình trên đám lửa hồng, tôi cho thêm lá và củi khô vào lò, những ngón tay tôi chạm vào lá như chạm vào những trang sách cũ, tôi không biết có nên mở sách ra hay là để nguyên như thế này. Tôi không muốn khơi động, không muốn tìm hiểu. Tôi muốn tất cả như thế này, không cần đổi khác, cứ đơn sơ như thế này và đẹp như thế này.

Tôi ngửng mặt nhìn những đám khói đen bám trên nóc bếp, những trái gấc khô mầu đỏ thẫm lơ lửng buông xuống trông giống một bức tranh thủy mặc của Tàu (tranh vẽ bằng nước và bồ hóng) như một hạnh phúc có thật. Tôi uống nước trà xanh Thái Nguyên, như uống những chén ngọc loãng vào bụng với những cô cháu đang ngồi rửa bát bên cạnh. Họ vừa làm vừa hỏi han tôi, mắt tròn xoe ngơ ngác vì những câu trả lời lạ lẫm, rồi nghiêng vào nhau cười khúc khích vì những câu hỏi ngây ngô của tôi. Mấy người con gái đi chân đất, hai bàn tay nâu hồng, hàm răng trắng, con mắt đen, mặt không son phấn. Họ đơn sơ và họ hạnh phúc, một thứ hạnh phúc ngay trong tầm tay với. Tôi bỗng thèm được như họ. 

Đám nhỏ lại kéo tôi ra trước nhà, xem cái ao nuôi cá. Cái ao vừa được vét bùn thay nước, nên nước còn đùng đục, có cây sung cả nửa thân ngả xuống phía ao. Chúng dắt tôi ra sát tận bờ, chỉ cho tôi xem tăm cá sủi lên do những con cá được thả xuống đó, chờ sanh nở. Một cô bé chạy ra gốc cây sung, bẻ một chùm quả, chia cho mỗi người mấy trái. Tôi cho cả quả sung xanh vào miệng thưởng thức cái cảnh ăn sung sung chát, ăn đào đào chua. Tỏm! Âm thanh của một quả sung chín vừa rơi xuống nước, tiếng kêu nhẹ mà rung cả một buổi trưa đầy nắng. Có tiếng còi hụ từ đàng xa vọng tới báo hiệu chiếc xe hỏa sắp đi ngang nhà. Đám trẻ kéo tay tôi ra xem. Một vài đứa đang chơi ở trên đường sắt, đứa lớn dắt đứa bé vội vàng chạy, nhưng chúng chỉ chạy khỏi đường sắt thôi và đứng sát đó để chờ nhìn chuyến tầu ầm ĩ lướt qua. Ngồi chơi với mấy viên sỏi, với những bông hoa nhỏ hai bên đường sắt, nghe tiếng còi tầu từ xa vọng tới, ngắm những toa tầu đi qua cửa mỗi ngày năm bẩy chuyến, đó cũng là một sinh hoạt giải trí của chúng sau những giờ đi học về. Ở đây trẻ em không có những trò chơi điện tử đắt tiền, không ngay cả đến những con búp bế xinh đẹp với quần áo thời trang như các nơi giầu có khác, cũng không có công viên cho trẻ em nên những chuyến tầu và con đường sắt là nơi giải trí tuổi thơ, là niềm ước mơ của tuổi thiếu niên về một chân trời mơ hồ phía trước. Chúng đứng nhìn theo những toa tầu chở cái gì bí hiểm và quyến rũ trong đó đi ngang nhà năm này qua năm khác và chúng lớn lên. Chúng ao ước một ngày nào đó được ngồi trên những toa tầu bít bùng kia du hành về một thế giới thần tiên trong những giấc mơ.

Còn tôi, tôi là người vừa bước xuống từ những chuyến tầu như thế, tôi từ cái thế giới mà chúng mơ mộng trở về, tôi thấy cái thế giới tôi đang đứng nơi này mới đúng là thế giới thần tiên. Nơi những chuyện cổ tích vẫn còn tồn tại, những giấc mơ chưa được thỏa lòng, những thiên đường mới được phác họa. Tôi bỗng thấy thương yêu tuổi thơ Việt Nam vô cùng, tuổi thơ của những đứa trẻ trong ngôi làng hiền hòa và thanh bình này.

Trước mặt tôi là con đường sắt, hai then sắt song song không biết bắt đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu. Có lẽ nó bắt đầu từ một thiên đường này đến thiên đường khác. Thế thôi! Thiên đường của tuổi trẻ Việt Nam. Sau lưng tôi là ngôi nhà song song với sông Hồng, sông Hồng một giải như mây hồng trôi đi, trôi đi, trôi từ ký ức của tuổi thơ và tiếp tục trôi vào thiên đường tôi đang có.

Ôi cha! Ôi mẹ! Ôi quê nhà yêu dấu!

 11/1998