Friday, June 6, 2014

CON CHUỘT


Một buổi chiều, tôi vào nhà kho ở dưới basement tìm cái nồi cất dưới đó để luộc gà, khi tôi vừa mở cánh cửa nhỏ và bật ngọn đèn lên thì giật bắn người vì có con chuột to bằng một trái dưa leo bự lao ra từ kệ sách cũ, nhẩy qua ba bốn cái thùng, phóng thẳng lên nóc hầm, biến mất. Tôi sợ đến đứng tim, vội vàng đóng ập cửa lại đi ra, quên cả chuyện tìm cái nồi. Chiều hôm đó chúng tôi ăn thịt gà chặt miếng kho gừng, thay cho gà luộc.

Trong mấy ngày liền, mỗi lần muốn vào nhà kho tìm cái gì, điều trước tiên là bật đèn (may quá cái công-tắc ở bên ngoài) xong rồi tôi đập đập vào cánh cửa, nói to trước khi mở như khách nói với chủ nhà:

 - Có ai trong đó không? Tôi vào nghe. ( Nói tiếng Việt xong, sợ con chuột không biết ngoại ngữ tôi lập lại bằng tiếng Anh: May I come in)

 Tôi nghe ngóng động tịnh vài giây, đập vào cánh cửa vài cái một lần nữa:
- Tôi vào nghe. (Lần này nói tiếng Việt để nó nghe quen dần)

Không nghe tiếng trả lời gì cả, tôi mở cửa, chưa dám bước vào hẳn, đứng nhìn thôi, biết chắc là không có ai ở trong đó mới vào, bước được hai bước đầu, giậm chân ầm ầm thật mạnh xuống sàn gây tiếng động, xem có ai chạy ra không, rồi mới bước hẳn vào trong.

Tôi bắt đầu ngửi thấy một thứ mùi kỳ cục, không giống mùi vớ dơ của chồng con, không giống mùi quần áo chưa kịp giặt. Mùi người lạ, một cái mùi rất khó chịu, chưa ngửi bao giờ. Trong cái nhà kho độ ba thước vuông này tôi giữ đủ mọi thứ mà gia đình nào cũng giữ. Từ sách vở, quần áo, giầy dép, nồi xoong. Cái đang dùng và cái không dùng đến nữa nhưng chưa nỡ vứt.

Trên kệ sách là những chồng tạp chí cũ mười, mười lăm năm của Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Văn, Văn Học, và mới hơn vài năm của Phụ Nữ Gia Đình, những sách mua ở Việt Nam từ thời còn in bằng giấy vàng khè, nhầu nhĩ như miếng giấy gói xôi ở Hà Nội. Bây giờ trên những gáy sách đầy rẫy phân chuột, tôi tìm xem chúng đã cắn những cái gì? Quần áo, giầy không bị cắn, sách cũng còn nguyên, nhưng bao gạo ở góc buồng thì thủng một lỗ to tướng, gạo vãi ra ngoài. Có lẽ chúng ăn no xong nằm kềnh ra đọc sách, rồi phóng uế luôn trên lưng chữ. Tôilấy máy hút bụi ra, lắp mấy cái ống dài luồn vào giữa những trang giấy, hút phân chuột. Vừa hút vừa run, nhưng không làm ngay thì tội nghiệp cho chữ, cho giấy và cho những tác giả đang bị ngột ngạt.

Tôi sợ chuột lắm, sợ đến nỗi sau một vài lần thấy nó phóng ra như thế tôi không dám vào cái buồng dưới hầm nữa. Coi như đã cho chuột thuê rồi. Nỗi sợ đi vào cả trong giấc ngủ. Có đêm tôi nằm mơ thấy khi mở cửa nhà kho, con chuột thấy tôi, bình tĩnh đứng nhìn rồi bỗng giơ hai chân trước vươn lên một cái như người đàn ông vươn vai và nó trở thành một con chuột cao lớn như chồng tôi, đầu dụng cả nóc buồng. Nó đi thẳng bằng hai chân sau, cũng cau mày lại, gắt gỏng y hệt chồng tôi lúc không hài lòng chuyện gì. Tôi sợ quá, hét lên ù chạy. Tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên giường bên cạnh ông chồng ngủ hiền lành, ngáy o o mới an tâm. Sợ thì sợ nhưng vẫn muốn ngó vào nhà kho và mỗi lần ngó vào đó, thấy phân chuột đen thui rải rắc trên sách, lại muốn vào dọn ngay. Nhưng không có chồng ở nhà thì không dám vào. Còn mùi hôi của nó làm tôi khiếp đảm. Tôi thương ba cái kệ sách đầy ắp ở đấy, bây giờ chữ nghĩa "cảo thơm" hôi toàn mùi chuột. Tôi bàn với chồng tìm cách bẫy.

Ông chồng tôi, sau khi tham khảo với mấy người bạn có chuột share phòng, ra Home Depot mua về mấy cái bẫy đủ loại khác nhau. Từ cái bẫy như căn phòng motel nhỏ để mồi trong đó cho khách vào rồi không ra được, cho đến cái bẫy như cái khay đựng một chất keo đặc, ở giữa có miếng mồi, nếu cô, cậu chuột nào bước vào kiếm ăn thì hai chân sẽ cứng ngắc lại không bước ra được phải nhờ người đến gỡ (Người gỡ chắc chắn không phải tôi). Loại bẫy bỏ thuốc độc cho chuột ăn vào hai ngày sau chết thì chúng tôi không dám, vì sợ không tìm ra xác chết để làm lễ an táng rồi phải “Xếp tàn y lại để dành HƯƠNG” không biết ngọc thể xếp ở ống dẫn hơi nóng nào thì còn khổ bằng mười khi chuột còn tại thế.

Nhưng con chuột nhà này nó khôn không kém gì con chuột trong phim hoạt họa Tom and Jerry. Nó check-in ăn những miếng mồi trong motel rồi check out, đứng bên ngoài cái khay keo ăn miếng mồi trên khay và xoay ngang cái khay keo lại, kéo lê một góc, rồi ra đi bình thản.

Chúng tôi lại đến tiệm chuyên môn trừ sâu, bọ, chuột vấn kế. Người đàn bà bán hàng, sau khi nghe chúng tôi tả mấy cái bẫy chuột đã dùng, nheo mắt lại nhìn tôi (có lẽ đoán tôi là người sợ nhất) phán một câu:

- Không bắt được nó, lại sợ nó chết trong nhà, thì phải tập sống chung với nó.

 Cách bà ấy nói nghe rất là thời thượng, y như khuyên một cặp trai gái thử sống chung tiền hôn nhân xem có hợp nhau không? (nguyên văn câu nói: Learn to cohabitate with each other).

Hai vợ chồng tôi nhìn nhau ngẩn người ra trước câu nói lạ lùng nhưng xem ra có lý ấy. Bất giác tôi nhớ đến nhân vật trong một cuốn truyện ngoại quốc mà tôi đọc được. Anh ta mỗi buổi sáng hay đổ sữa vào một chiếc đĩa đặt ở góc nhà rồi đợi con chuột share phòng với anhcùng ra ăn sáng. Cả hai sống chung hòa bình. Khi anh ốm, anh chỉ sợ con chuột đói. Người bạn gái đến thăm, anh nằm rên hừ hừ trên giường, thế nhưng câu đầu tiên anh nhờ là đổ sữa vào đĩa cho con chuột ra uống.

 Chúng tôi ra về, trên xe bàn chuyện sống chung với chuột. Cách của tôi khi muốn làm quen với ai thì nói chuyện thơ, đọc thơ, xem người đó phản ứng ra sao? Lãnh đạm hay nôn nả nghe? Không hiểu gì về thơ cả hay hiểu thơ hơn cả mình nữa. Rồi từ đó suy ra có làm bạn được hay không? Tôi sẽ làm một bài thơ dán lên phía trong cánh cửa nhà kho, xem tình hình thế nào.

Khi về nhà tôi viết ngay xuống một bài thơ như sau:

Thử Sống Chung 

Chúng ta hai kẻ lạ
muốn dọn vào với nhau
bao nhiêu điều khác biệt
có cảm thông được nhau?
người thì ăn ban ngày
kẻ thì ăn ban tối
buổi sáng không gặp nhau
buổi chiều thật bối rối
người thì thích ánh sáng
kẻ chỉ muốn tắt đèn
cả hai đều bướng bỉnh
không chịu bỏ thói quen
người thì hay giậm chân
kẻ thì hay tháo chạy
mỗi người chạy một đầu
hai cái lưng ngơ ngác
khi một người cất tiếng
là cuộc chiến bắt đầu
cả hai cùng giữ thế
xem thắng bại bên nào
Cuộc sống chung định mệnh
thôi, đừng tranh thiệt hơn
hãy ngồi xuống thở nhẹ
như hoa cỏ ngoài vườn.

Chồng tôi đọc bài thơ nói:
- Sao làm thơ cho chuột mà giống như làm cho anh vậy?

Tôi im lặng, đem bài thơ dán vào phía sau cánh cửa nhà kho, nhờ chồng vào thu dọn hết thực phẩm khô, không để sót một chút gì. Hút thật sạch những kệ sách, xịt nước thơm có mùi hoa chanh, đóng cửa lại. Nửa đêm tỉnh giấc, tôi nằm nghĩ đến con chuột, thấy cách đối xử của mình sai. Đã gọi là tập sống chung mà không cho người ta ăn thì vô lý thật. Tôi lò mò trong bóng tối, rót một bát sữa, mở hé cánh cửa nhà kho đẩy vào.

Hai ngày sau, tôi mở cửa, ghé đầu vào tìm kẻ share phòng. Nhà kho sạch nguyên, không có một hạt phân chuột, bát sữa đầy ắp không một giọt nào vương ra ngoài. Kẻ share phòng đã bỏ đi. Tôi cười nhạt, nhún vai nói một mình: Ôi chao! Thử xem đi được bao lâu? Có chỗ nào thơm tho hơn chỗ này? Đi mỏi chân thì lại quay về thôi!

 Nhưng kẻ đi là đi luôn. Mấy ngày kế tiếp tôi thăm dò xem kẻ đó đã chịu “Bó thân về với triều đình chưa?”. Nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cả. Tôi thu bát sữa đi, vì sợ kiến tìm đến.

Không biết vì bài thơ hay vì hết thực phẩm, vì những tiếng động thường xuyên của máy hút bụi hay vì mùi hương lạ của nước xịt hoa chanh, kẻ share phòng bỏ đi biền biệt. Bây giờ khi vào nhà kho, tôi không còn sợ hãi phải đập ầm ầm vào cánh cửa, phải lên tiếng hỏi có ai trong đó không?

Nhưng mỗi khi mở cánh cửa, thấy bài thơ dán ở đó, lòng thấy bâng khuâng nhớ.