Tôi đang ngồi ăn trưa, thì có
máy gọi của bà Pat làm việc ở phòng WIC (chương trình phiếu sữa cho đàn bà có
mang và trẻ em). Giọng bà trong máy coi bộ khẩn cấp lắm. Tôi vội cất miếng bánh
vào tủ lạnh chạy ra chỗ làm việc. Trước mặt tôi là một phụ nữ da đen cao lớn còn
trẻ, chỉ vào hai lăm, hai sáu tuổi. Tóc dài, quăn, da đen bóng như gỗ mun, một
nước da đẹp và đầy sức sống. Cô đang nổi giận. Cô đang quát to. Tôi nghe giữa
tiếng Việt có thêm đôi ba câu nói thô lỗ bằng tiếng Mỹ. Tôi ngắm nghía cô, nếu
cô không nói một câu tiếng Việt (đặc giọng miền Nam) nào thì chắc chắn không ai
nghĩ cô là một người lai. Cô Mỹ quá! Từ nước da đến cấu trúc của nét mặt.
Vừa thấy tôi, cô sấn sổ đến
phân trần:
- Cô ra đây, con nói cho cô
nghe. Mấy con mẹ làm việc ở đây cà chớn. Không cho con đủ sữa, con đến đòi
thêm, nhất định không đưa. Con mới chửi cho một trận.
Rồi cô lôi tay tôi dắt đến
trước mặt một nhân viên phụ trách.
- Cô nói nó phải đưa thêm sữa
cho con.
Tôi chưa kịp mở miệng, thì
đến phiên bà Pat (người phát sữa) phân trần:
- Chương trình WIC chỉ có
nghĩa là phụ thêm thực phẩm chứ không có nghĩa là cung cấp một trăm phần trăm.
Người nào chúng tôi cũng phát như nhau, thiếu thì họ phải mua thêm. Cô này dữ
quá.
Tôi quay sang cô Mỹ lai từ
tốn hỏi:
- Cháu tên gì?
- Cháu tên Kim Liên.
- Cái tên hay nhỉ. Này Liên,
ngồi xuống đây.
Tôi kéo một cái ghế cho cô,
một cái cho tôi. Hai người ngồi đối mặt nhau. Tôi thấy trong mắt cô vẫn bừng bừng
lửa giận. Tôi đặt tay tôi lên tay cô, nhẹ nhàng nói:
- Hạ hỏa đi, cô cắt nghĩa cho
Liên nghe. Chương trình này chỉ là chương trình phụ giúp, nếu thiếu sữa cho con
thì phải mua thêm. Không phải mình cứ đến đây quát tháo mà được. Bây giờ cô hỏi
Liên, cần thêm mấy hộp sữa nữa cho con thì mới đủ đến cuối tháng.
- Con cần ba hộp nữa. Hồi con
ở tiểu bang Florida, thiếu con đến đòi là họ phải đưa thêm. Mấy con mẹ ở đây nó
kỳ thị quá. Chắc tại nó thấy con đen nên nó không cho thêm. Con đâu có chịu,
con la cho biết tay.
Tôi đập nhẹ tay mình lên tay
cô, cười:
- Không có ai biết tay Liên
đâu. Lần sau đừng có la lối như thế nữa, muốn gì thì cứ từ tốn mà nói. Ngồi đây
để cô vào xin thử cho cháu xem có được không?
Tôi đi vào, tìm bà Pat. Bà
cũng đang bừng bừng lửa giận, thấy tôi bà quay mặt nhìn chỗ khác vài giây, rồi lại
tự động quay lại nhìn tôi, nói:
- Tôi chưa thấy ai dữ như cô
này, tôi làm ở đây cả hơn mười năm rồi. Tôi cũng gặp nhiều người phụ nữ lai, đâu
có thấy ai xin người ta với cái giọng thô lỗ như vậy. Bà nói cho tôi nghe, có
phải người Việt lai Mỹ đen dữ hơn những người dân nước khác lai hay không?
Tôi nghe thấy mặt mình nóng
lên, một chút tự ái dân tộc dấy lên trong ngực. Nhưng tôi biết, bà Pat có quyền
nổi giận, có quyền nói như thế sau khi bị cô Kim Liên mạt sát bằng một vài danh
từ thô lỗ mà cô học được bằng tiếng Mỹ. Tôi nghĩ, mình phải cắt nghĩa làm sao
để cho bà Pat đừng giữ mãi cái thành kiến không được tốt đẹp này. Tôi chậm rãi
nói:
- Tôi xin lỗi chuyện không
hay xảy ra. Nhưng xin bà thông cảm. Cô Kim Liên này theo tôi biết, mới sang Mỹ
có một năm nay. Cô ấy trưởng thành ở Việt Nam. Cô ấy phải trải qua một quãng
đời tuổi thơ khó khăn lắm. Chắc chắn là bị xã hội Việt Nam đối xử cay nghiệt
với cô, vì cô là con lai, mà lại
lai Mỹ đen. Bà có nhớ mình cũng có một thân chủ lai Mỹ đen là cô Tâm không? Cô ấy
nhút nhát mà hiền lành. Ở đây ai cũng thương. Tôi nghĩ có hai trường hợp có thể
xảy ra đối với những người con lai được sống còn trong một xã hội hậu chiến.
Một là họ rất hiền lành, nhịn nhục để lấy lòng thương xót của thiên hạ. Hai là
họ phải tranh đấu với tất cả bản năng để sống còn. Cô Kim Liên này chắc là ở
vào hoàn cảnh thứ hai. Cô mới sang đây nên cô vẫn nghĩ như mình đang sống ở quê
nhà. Cô phải tranh dành cho đến khi cô có được điều cô muốn. Nếu bà bớt giận và
thông cảm, tha cho cô ấy tôi chắc bà sẽ vui hơn.
Bà Pat hơi dịu xuống một
chút:
- Thế bây giờ bà nghĩ thế
nào?
Tôi ôm lấy vai bà Pat:
- Cám ơn bà, tôi biết cái tâm
bà hiền lắm, bà dễ tha thứ. Bây giờ tôi xin bà hai hộp sữa nữa cho cô ấy sữa
này lấy ở trong kho, chứ không phải cấp phiếu). Và tôi sẽ nói cô ấy vào đây xin
lỗi bà về mấy danh từ không đẹp mà cô lỡ dùng.
Tôi cầm hai hộp sữa đưa cho
Kim Liên:
- Cô xin thêm cho cháu hai
hộp, còn hộp thứ ba thì cháu phải đi mua. Nhưng cháu nhớ là chỉ một lần này thôi,
những tháng sau cô không xin được nữa. Cháu phải mua lấy.
Kim Liên cám ơn tôi và ra về.
Tôi để cho cô bước ra gần đến cửa, mới gọi với theo:
- Kim Liên, cô muốn nhờ cháu
một việc.
Cô vui vẻ quay lại, miệng cô
cười, hai hàm răng đều, trắng bóng. Tôi bảo:
- Hai cô cháu mình vào cám ơn
bà Pat đi, đừng để người ta cười người Việt Nam mình không có lịch sự. Hơn nữa
cháu còn đến đây mỗi tháng lãnh phiếu sữa, cháu cũng nên gây tình thân thiện
với nhân viên ở đây.
Cô ngoan ngoãn đi theo tôi
vào gặp bà Pat. Từ đó về sau không có chuyện gì xảy ra nữa. Chỉ có một lần tôi
bắt gặp chính bà Pat gói thêm hai hộp sữa, dúi vào cái giỏ của cô Kim Liên.