Gửi Frank và các con: Khôi, Hưng, Khả Tú
- Cô ạ, con phải nộp bốn trăm
đô để lãnh chồng con ra.
- Trời, sao mà nhiều thế! Họ
giữ chồng con mấy ngày?
- Thưa, chỉ có hai ngày.
- Thế những người không có đủ
tiền nộp cho họ thì sao?
Người cháu cười nhẹ:
- Họ biết ai có tiền, ai
không cô ạ. Chúng con nghèo, nhưng họ biết mình có thân nhân ở nước ngoài. Họ
biết con sẽ đi vay mượn, rồi gia đình bên đó gửi về trả sau. Với người không
kiếm được đâu ra tiền, họ trả về ngay, chứ ai hơi đâu giữ cái xác nghèo cho tốn
chỗ .
Đấy là câu chuyện đầu tiên,
khi người cô từ phi trường Tân Sơn Nhất bước vào nhà người cháu.
Một tuần trước ngày người cô từ Mỹ về thăm
Việt Nam được tin người cháu rể bị tử nạn xe gắn máy, người cháu đi một mình,
nên lúc chết không có thân nhân bên cạnh. Người quen trong xóm đi qua, đắp cho
anh chiếc chiếu, rồi chạy về xóm báo cho vợ con. Nhưng công an đã đến trước, đem xác về đồn.
Thân nhân muốn lãnh ra, thì phải nộp tiền giữ xác. Một số tiền bằng lợi tức của
người chết kiếm được trong bốn tháng. (Việc làm của người cháu là thổi kèn cho
các đám tang, mỗi tháng vừa tiền lương vừa tiền thưởng, kiếm được từ chín mươi
đến một trăm đô la).
Khi nhận được tin dữ, người
cô cứ ngỡ rằng mình về đến Việt Nam sẽ thấy mấy mẹ con người cháu khóc lóc, ôm
chầm lấy mình. Nhưng người cô chỉ gặp một người đàn bà trẻ, khuôn mặt đông cứng
lại, thấy cô mình khóc, thì quay mặt đi một lúc, rồi quay lại phụ với cô mang hành lý ra xe. Bây giờ,
người cô ngồi nghe người đàn bà góa trẻ, kể chuyện về cái chết và kể chuyện đám
tang cho chồng. Kể bằng một giọng bình thản như kể chuyện đám tang của nhà hàng
xóm.Và vẫn với khuôn mặt đông cứng đó, người cháu thỉnh thoảng lại phải quay đi
nơi khác, để tránh nhìn vào đôi mắt ướt sũng của người cô. Người chồng lúc chết
không được sửa soạn trước, chắc chẳng thể ngờ rằng vợ con mình lại phải nộp cho
Công An địa phương một số tiền lớn như thế, để lãnh xác mình về. Nếu biết, thì
nỗi sợ chết của anh sẽ lớn đến thế nào! Người ta đã chôn xuống đất cả nhạc
công, lẫn nhạc cụ.
Trong mười ngày gia đình người cô ở Saigòn, người
cháu vẫn chạy đi, chạy lại từ khách sạn trên phố về nhà cháu ở Tân Thái Sơn.
Cháu vẫn nhanh nhẹn, tháo vát, nói luôn miệng. Nhưng thỉnh thoảng, cô bắt gặp
cháu ngồi thừ người ra, hai mắt đỏ hoe. Gặp ánh nhìn của cô, thì khuôn mặt cháu
đông cứng ngay lại, quay đi chỗ khác. Lòng cô quặn thắt.
Người mẹ nói nhỏ:
- Cẩn thận chân con.
Cô gái nhìn xuống. Xém chút
nữa thì cô giẫm phải cái lò than hồng nhỏ, bên cạnh cột đèn. Gọi là cái lò nhưng
thực sự chì có mấy cục than đốt, đựng trong một cái chậu thau nhôm nhỏ, trên để
một cái vỉ có hai trái ngô đang nướng, mùi ngô non thơm lừng. Hà Nội buổi tối thật
là nhộn nhịp. Cô đang cùng mẹ đi ở phố Lý quốc Sư ngắm cửa hàng hai bên hè.
Những quán ăn nhỏ, xếp bàn ghế ngay ra đường, những chiếc bàn thấp và những
chiếc ghế rất nhỏ. Cha cô đang ngồi vào một trong những chiếc ghế đó ở góc phố,
uống bia và nói chuyện với những thanh niên Hà Nội. Họ nói được rất ít tiếng
Anh và cha cô thì mới bắt đầu nói tiếng Việt từ khi đến Hà Nội. Mẹ cô bảo: Cha
con nói tiếng Việt nghe như tiếng Ấn Độ, mẹ chẳng hiểu gì cả.
Nhưng hình như những người
thanh niên đó và cha cô, họ hiểu nhau. Trông họ vui vẻ và thân thiện nhau lắm. Họ
mời cha cô ăn một miếng chả Rươi, đó là món trứng chiên trộn lẫn với những
con sâu ngũ sắc, vớt lên từ ruộng, chỗ nước ngọt và nước mặn ráp nhau. Mẹ cắt nghĩa
cho cô nghe như thế và nói thêm : Món này muốn cho thật ngon bao giờ cũng phải
cho một ít vỏ quít thái nhỏ vào .
Gia đình cô đến Hà Nội được
ba hôm rồi. Hôm mới từ khách sạn bước ra phố, cha cô thấy là cần phải mua một
cái nón. Ông lựa mãi mới mua được chiếc nón vải có mầu xanh lá cây đậm. Mẹ bảo:
Đó là nón cối của bộ đội. Mẹ không cho cha lấy cái nón có gắn hình ông sao mầu vàng, mẹ còn dặn
thêm: Anh sẽ không dùng được cái nón này, khi anh về Mỹ. Trong những ngày ở Hà
Nội, cha đi ra ngoài luôn luôn đội cái nón cối đó. Có những người đàn ông trong
thành phố, mặc đồng phục, và đội nón cối đi làm việc. Khi thấy cha cô cũng có
một cái nón giống họ, họ tươi cười hỏi:
- Cháu bác Hồ đi đâu đó?
Cha cô vẫy tay chào lại họ.
Cha cô hồn nhiên, tưởng là đi
đến đâu mà đội chiếc nón đó, cũng sẽ được chào hỏi, hay ít nhất cũng không làm
phiền ai.
Khi vào miền Nam, ở Sài Gòn,
cha cô cũng vẫn đội chiếc nón đó vào một tiệm ăn, thì có một người đàn ông bước
đến nói với cha cô rằng: Ở đây chúng tôi không cần thêm một VC nữa. Cha cô, từ hôm đó, mua một
chiếc nón khác đội.
Cả cô và cha cô, đây là lần
đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Mẹ cô là người đàn bà Việt Nam đầu tiên cha cô
gặp trên đất Mỹ và kết hôn, còn cô thì được sanh ra ở Los Angeles, năm nay cô
mươi mốt tuổi. Đối với cha con cô, quê hương của mẹ cô có nhiều điều cần học
hỏi và khám phá. Mặc dù trước khi về
thăm Việt Nam, cha cô đã ra thư viện mượn một chồng sách viết về Việt Nam để
tìm hiểu về địa lý cũng như cách ứng xử, nhưng quả thật câu chuyện về Cái Nón
Cối trên thì không có sách nào chỉ dẫn. Ngay cả mẹ cô là người Việt, cũng không
ngờ được hai phản ứng trái ngược nhau hoàn toàn cho một cái nón trên cùng một
xứ sở.
Hà Nội đối với cô là một
thành phố đẹp, cái đẹp hiền lành cổ kính cộng thêm một chút chênh vênh, cái mới
có tham dự nhưng vẫn rụt rè. Ở thành phố này, cô tìm thấy cái nghèo khó, giản
dị của những người gánh hàng bán rong, những con đường hẹp và những cống rãnh không
lối thoát, những ngôi nhà mới cất có chiều ngang rất hạn chế, nhưng chiều cao
thì mặc sức. Chúng cũng đuợc trang trí và sơn phết nhái theo kiến trúc của Âu
Mỹ, và chúng thản nhiên đứng sát cạnh những ngôi nhà ọp ẹp, cũ kỹ. Mẹ cô bảo
những ngôi nhà cũ kỹ này hình như họ quên mở cửa từ ngày mẹ cô rời Hà Nội (có
nghĩa là một ngày rất lâu như cổ tích vậy). Cô đi theo mẹ qua những con phố bao
giờ cũng bắt đầu bằng chữ Hàng: Hàng Trống , Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào,
Hàng Bông, Hàng Đường v.v. Mẹ bảo ở thời xa xưa, người ta chỉ cần đọc tên phố
là biết ở đó bán gì. Nhưng ngày nay họ cứ bầy ra tất cả những gì họ có thể bán
được, ngay trước cửa hiệu của những con đường đó. Phần đông là bán cho du khách và Việt kiều.
Gia đình cô ở khách sạn Phúc
Lợi, ngay cạnh Nhà Thờ Lớn Hà Nội, mỗi buổi sáng, chuông nhà thờ đổ báo hiệu lễ
năm giờ sáng. Cô còn ngủ, nhưng cả cha mẹ cô đều dậy đi bộ sang xem lễ. Khi xem
lễ xong, cha cô ghé ngồi xuống chiếc ghế thấp ở ngay góc đường, uống nước trà
và mua bánh mì trứng ốp la của bà cụ bán hàng. Mới có mấy hôm mà họ đã thành
bạn, mặc dù cô biết chẳng ai hiểu ai nói gì cả. Một hôm mẹ ghé mua bánh thay
cha, mẹ hỏi cụ bao nhiêu tiền, thay vì nói giá thì cụ lại trả lời:
- Bác trai vẫn trả cho tôi
mười ngàn.
Mẹ cô cứ khen mãi về cách nói
của người Hà Nội. (Vì mẹ biết cụ bán cho những người ở đó chỉ có bốn ngàn)
Cha cô muốn thuê một chiếc xe
đạp để đi một vòng, mẹ sợ lắm nhưng cản không được đành phải để cho cha đi. Mẹ
đưa cho cha một ít tiền Việt và cái địa chỉ của khách sạn. Cha đạp xe ra tận
cầu Long Biên, chụp ảnh những người buôn bán bằng thuyền trên sông. Cha kể, mỗi
lần muốn chụp ảnh, mấy bà bán hàng xòe đủ năm ngón tay đưa lên, cha phải trả đủ
năm ngàn mới được chụp. Khi gần hết tiền, cha đưa ba ngón tay lên mặc cả, mấy
bà lắc đầu lia lịa. Sau biết là cha thực sự hết tiền mấy bà mới chịu xuống giá.
Mẹ cô cười mãi về tài trả giá của cha. Sau đó cứ mỗi lần
định mua món gì, mẹ bảo gọi cha ra mặc cả.
Gia đình cô đi thăm họ hàng
bên nội của mẹ, ở cách Hà nội cả trăm cây số. Đó là một ngôi làng nhỏ ở sát
sông Hồng, thuộc tỉnh Yên Bái. (Mẹ bảo quê nội chính của mẹ ở Nam Định, nhưng
bây giờ họ hàng lập nghiệp ở đây, nên mình về đây thăm, lần khác mẹ sẽ cho đi
Nam Định). Gặp ai mẹ cũng khóc và cô thì thấy mọi nguời chung quanh khóc cũng
mủi lòng khóc theo. Những đứa bé ở trong họ vây chung quanh cô. Chúng vuốt
những sợi lông măng mầu vàng trên cánh tay cô, xem có thật hay không. Cô cao
lớn, chúng thì bé nhỏ, gầy guộc. Những người cô phải gọi bằng
anh chị cũng bé nhỏ hơn cô, mặc dù cô đoán có người nhiều tuổi hơn, làm cho cô thấy
ngượng ngập vì cái chiều cao của mình. Những đứa bé dắt cô ra vườn sau xem con
sông phù sa đỏ quạch và những vuờn rau cải xanh ngắt của gia đình, họ trồng
ngay sát bãi phù sa. Những bụi tre, bụi chuối, khóm mía, cây bưởi, cây đu đủ,
chuồng gà, chuồng lợn, chuồng chim bồ câu. Tất cả đều mang một vẻ đẹp mà cô
chưa được nhìn ngắm bao giờ. Cha cô nói:
- Họ có nhiều thứ quá ! Kể cả nhà trên mặt
nước (Waterfront House). Sống như thế này sao bảo rằng thiếu thốn được.
Mẹ chậm rãi nói:
- Anh nghĩ lại đi, mùa đông ở
Lào Cay, Yên Bái rất lạnh, khi không trồng được rau để ăn và đem ra chợ bán,
thì sống bằng gì? Lương hưu trí của anh Chính có hai trăm ngàn một tháng
(14.000 = 10 đô la) còn cái mà anh gọi là Waterfront House thì chỉ là mối lo
cho mùa nước lớn.
Có một hình ảnh cô cho là rất ngộ nghĩnh khi
thấy cha cô ngồi ăn cơm giữa những ông bà bác của cô, họ thay nhau tiếp thức ăn
vào bát của cha, cha cứ phải nhìn mẹ, vì không thể nào ăn hết được. Khi ăn cơm
xong, họ dắt cha ra sân trước, ở đó đã có sẵn một chậu nước, nhưng ai đó lại
chạy vào trong bếp mang ra một ấm nước sôi để pha vào, cha cô xua tay rối rít.
Để cho mọi người hiểu mình là người giản dị, cha cô chạy thẳng ra giếng, tự bơm
nước lên rửa mặt, nước ở giếng bơm lên có mầu hồng, để một lúc phù sa đóng dưới
đáy chậu một lớp khá dầy.
Lúc ở Mỹ bắt đầu ra đi, mẹ cô
chỉ sợ cha con cô đòi về nửa đường. Bây giờ thì cả cô và cha đã bàn với nhau về
ngày trở lại Việt Nam lần tới. Quê hương của mẹ đẹp quá !
Tôi đứng ở đầu mũi tầu, gió thổi ngược, tầu
trôi vào giữa vịnh Hạ Long với trên hai ngàn hòn đảo nhỏ, sáng nay đứng im
trong màn sương, trông như những người thợ lặn vừa nhô lên từ dưới nước, đang
hoang mang định hướng giữa những vòng sóng vây quanh. Tầu trôi chầm chậm, mặt
trời chưa mọc, trong màn sương dầy đặc đó có những chiếc thuyền thúng, thuyền
tam bản đang rẽ nước đi ra từ sau những hòn đảo nhỏ, để tiến về phía tầu lớn
của du khách. Tất cả gom lại thành một bức tranh thủy mặc được phóng lớn, một
bức tranh được vẽ bằng cây cọ của thợ trời.
Mỗi chiếc thuyền tam bản tiến
về phía tầu, trên đó bao giờ cũng có ba người. Một người đàn ông, điều khiển
cho thuyền chạy bằng một cái máy đuôi tôm, một người đàn bà bán hàng và một đứa
nhỏ. Có thuyền bán trái cây, nước ngọt, thuốc lá và bánh kẹo; có thuyền bán hải
sản, những con cá, tôm, cua, ếch, lươn, v.v. còn sống bơi lội trong những cái
thau nhựa xanh đỏ. Thuyền thúng nhỏ hơn nên nhiều khi chỉ bán có cần câu và mồi
câu cho du khách. Khi thuyền cập sát vào tầu, người đàn bà đứng lên, quăng một
cái giây vào một then ngang nào đó của thân tầu và rút lại một cái nút rất khéo
léo, rồi thuyền nhỏ tự nó được kéo đi theo thuyền lớn. Du khách trên tầu có thể
cúi xuống mua tôm, cá tươi đem lên tầu nhờ nhà bếp luộc, ăn luôn tại chỗ hay
mua một nải chuối vừa chín tới, một túi mía, một gói hạt dẻ rang, để vừa nhâm
nhi vừa ngắm tầu từ từ đi vào bức tranh thủy mặc.
Khi du khách còn đang sững sờ
với vẻ đẹp của nước, của trời, thì đúng lúc một đứa bé độ năm hay sáu tuổi từ
phía sau của chiếc thuyền đi ra, nó gầy gò, lem luốc, nó đứng chênh vênh ở mũi
thuyền mà không hề sợ ngã, hình như nó đang rao bán một món hàng. Nhưng không phải, nó đang làm công
việc của một đứa bé ăn mày:
- Ông bà cho cháu xin tiền ăn
quà!
- Ông bà cho cháu xin tiền ăn
quà!
Lời nói lập đi lập lại như
một cái máy được bấm nút. Có khi vừa nói, đứa bé vừa lơ đãng nhìn mấy hòn đảo
hay cúi xuống nhìn mấy con tôm đang nhảy trong cái thau nhựa. Người đàn bà đang
bán hàng giơ tay đập vào lưng nó mấy cái nhắc nhở, lúc đó nó lại ngửng đầu lên nhắc lại lời rao:
- Ông bà cho cháu xin tiền ăn
quà!
- Ông bà cho cháu xin tiền ăn
quà!
Bốn năm chiếc thuyền tranh
nhau cập sát vào tầu của du khách. Trên chiếc thuyền nào cũng có một đứa bé,
con trai hoặc con gái ở lứa tuổi lớp hai, lớp ba bước ra đứng ở mũi thuyền.
Chúng gầy gò, mặt mũi còn ngơ ngáo, quần áo xộc xệch, đứng chênh vênh như một
hòn đảo nhỏ.
Vịnh Hạ Long đẹp lắm! Đúng là
một kỳ quan của thế giới. Cái đẹp không thể tả bằng lời, không thể chỉ xem bằng
phim ảnh, mà phải đến tận nơi để thăm những hang động (Hang Thiên Đàng, Hang Đầu
Gỗ, Hang Sửng Sốt ) để nhìn tận mắt quần đảo, để nghe tiếng gió trên vịnh vào
buổi chiều, để ngắm sương mù trên vịnh lúc bình minh. Và nhất là để nghe tiếng
van xin thản nhiên của những em nhỏ như những tiếng giao hàng.
Một mùi hương thơm ngát đưa từ
khu vườn phía sau vào trong nhà. Những người khách mới đến hít hà hỏi chủ nhà:
- Mùi hoa gì mà ngào ngạt thế
!
- Dạ, hoa cà phê, bà chủ nhà
trả lời.
- Cho chúng tôi ra vườn được
không ?
- Dạ, chủ nhà vừa đáp vừa
đứng lên đưa khách ra vườn.
Nói là vườn thì chắc là không
đúng, vì phía sau rộng đến sáu mẫu tây. Trước khi đi sâu vào trong những hàng
cây, mọi người đi qua một chiếc sân trải xi măng khá rộng, trên sân là những
hạt cà phê có mầu đỏ, xanh, tím, nâu đang phơi và bốc lên một mùi ngai ngái của những hạt cây bị ẩm, chưa khô
hẳn. Những người khách vừa hắt hơi vừa hỏi chủ nhà:
- Nhỡ đang phơi thế này mà
mưa ập xuống thì sao?
- Dạ chúng em chỉ nhìn trời
mà chạy vội ra, thu vào được bao nhiêu thì thu, còn không phải đợi nắng quay lại.
Cả khách và chủ đi lẫn vào
dưới những cây cà phê đang ra hoa trắng xóa. Không ai hỏi và không ai nói nữa. Hương
hoa cà phê làm những tiếng động nhẹ cũng như ngừng hẳn lại, như chìm hẳn vào
trong mùi hương. Ở đây êm ả quá! Những ngưới khách từ phương trời xa lắc đến, họ
không còn nhớ được những xa lộ với sáu hoặc tám hàng xe cùng chạy một lượt,
những cao ốc và những tiếng động rào rào như sóng biển. Họ cũng quên hết những
câu chuyện kể về một đất nước
chiến tranh, những quả pháo kích và thuốc khai quang, những đám cháy và những
bãi mìn. Bom đạn, chết chóc hình như chưa bao giờ ghé qua đây. Có chiếc động cơ
chạy của một chiếc máy gì đó. Từ trong lùm cây, một chiếc xe thồ cũ kỹ, được
gắn bằng đầu máy của một chiếc xe Honda. Một thanh niên trạc hăm ba, hăm bốn
tuổi đang lái về phía khách. Bà chủ nhà giới thiệu:
- Đây là cháu lớn của chúng
tôi, cháu thôi học và làm rẫy cà phê từ lúc mười bốn tuổi. Hai năm nay cha cháu
mất, cháu trở thành người lãnh trách nhiệm chính cho phần thu thập lợi tức cho
cả gia đình.
Những người khách ngắm nhìn
người thanh niên. Nước da anh sạm đen, tóc dầy, nụ cười tươi, trên mặt anh không
có cái khắc khổ chịu đựng của một người vất vả. Anh nói cho khách nghe về những
may rủi của từng vụ mùa, về số cà phê thu được và số cà phê loại bỏ. Khi cà phê
được giá thì cả tỉnh Long Khánh của anh người nào cũng no đủ, mấy năm nay cà
phê mất giá, cả tỉnh xơ xác, chợ cũng không có rau mà bán.
Trong khi anh than vãn về sự thiếu hụt, nét
mặt anh vẫn tươi. Khách nhìn vào hai bàn tay của anh, hai bàn tay nứt nẻ, thô
nhám, đen đủi nhựa cà phê. Anh đang đưa tay ra hái một đóa hoa ngang mặt, bất
giác khách liên tưởng đến những bàn tay của những thanh niên bằng tuồi anh ở bên kia biển,
những bàn tay sạsh sẽ, hồng hào chỉ cầm bút và gõ gõ trên máy vi tính. Đóa hoa
cà phê trắng muốt tỏa hương thơm nằm gọn trong bàn tay đen đúa của anh, trông
như cánh của một con chim bồ câu nhỏ nằm trong một mảnh bom. Bàn tay anh có lẽ
là vết tích duy nhất của chiến tranh để lại khi đi qua mảnh đất
này.
Chiến tranh thật sự đã đi qua đây, nó lấy mất
tuổi thiếu niên của anh, nó lấy đi sách vở, bạn, trường. Nhưng may mắn nó còn
để lại cho anh những bông hoa cà phê thơm ngát, trắng ngần.