Sunday, June 8, 2014

THÁNG BA HOA ĐÀO LẠI VỀ

 Tháng Giêng, Xuân còn nằm co mình nán lại trên những trang lịch mỏng của tháng ba dương lịch, bầu trời Seattle hôm nay trong vắt nhưng khí hậu vẫn trong tiết đông. Năm nay mưa ít, gió nhiều, trời khô nhưng lạnh, đi  ra ngoài vẫn phải áo ấm, khăn quàng, và cảm cúm vẫn ân cần thăm hỏi mọi người.

Sáng nay tôi lái xe đi thăm Dì tôi, cụ chín mươi tuổi, ở cách nhà tôi nửa tiếng lái xe trên xa lộ. Dì là em út của mẹ tôi, người duy nhất còn lại bên ngoại. Dì tôi có tất cả mười hai người con, nhưng bây giờ chỉ còn duy nhất hai người con gái ở gần, các ông con trai người thì qua đời trước mẹ, người sống thì có vợ con ở thật xa mẹ; kẻ đi máy bay mất hai tiếng, gần nhất (Mỹ) cũng may ra hai năm được một lần thăm; người ở sáu bảy tiếng máy bay (Canada) thì vài ba năm một lần; người ở tận mười ba, mười bốn tiếng máy bay (Việt Nam) thì không có lần nào. Nhưng không trách được họ, họ đã có những đời sống riêng, bổn phận với công việc và vợ con, trong Kinh Thánh đã chẳng nói rằng: Người đàn ông sẽ từ bỏ cha
mẹ mình mà đi theo vợ hay sao!

Dì tôi bây giờ yếu lắm, chỉ có da bọc xương, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, sáng suốt, không nhận nhầm người nào, không quên tên người nào, dù là con cháu hay bạn bè. Tôi đến thăm cụ mà không nỡ ra về, cụ ngồi trong xe lăn, đắp hai, ba cái chăn trong lòng, phải có người đút cho ăn, cụ nói rất ít nhưng toàn nhắc đến những anh, chị của cụ đã qua đời. Tôi cầm bàn tay cụ trong bàn tay mình, những ngón tay không còn một chút thịt nào ngoài làn da trắng mỏng tanh bọc những sợi gân xanh và những lóng xương, tôi nhớ lại hai bàn tay đó cách đây bốn, năm chục năm về trước đã nấu không biết bao nhiêu bữa ăn ngon cho chồng, con, họ hàng (Dì tôi nổi tiếng nấu ăn ngon nhất họ). Tôi nhìn vào hai con mắt cụ như nhìn vào một tấm gương, tấm gương có con sông đang chảy, tôi thấy mình rất rõ trong đó, thấy tôi đang bơi tiến dần về phần cuối của con sông đời sống mình. Nếu trời cho sống ba mươi năm nữa thì tôi cũng sẽ ngồi trong cái ghế như thế này, tóc tôi cũng trắng phau và xương da, vóc hạc như thế này! Nhưng liệu biết có cái may mắn có người con nào bên cạnh hay không? Vì tôi đâu có mười hai người con để còn lại được hai người. Ở tuổi chín mươi, tôi còn được sáng suốt như cụ nhận ra ai nữa không? Nói gì nhớ được những bài thơ của mình, của người. Tôi nghĩ đến những câu chúc thọ bạn bè tặng nhau vào dịp xuân, cả người cho lẫn người nhận đều hân hoan nghe và mong được như lời chúc. Chao ôi là sợ!

 Cuối cùng tôi cũng phải cúi xuống ôm Dì tôi, dụi mũi, môi mình vào má cụ từ giã, hẹn cụ hai hôm nữa con lại đến, cụ hỏi: “Sáng hay chiều”. Nghe mà ứa nước mắt, vì biết là cụ để lòng mong ngóng.

Tôi trở về, mang theo nỗi ngậm ngùi vào xe. Khi xe chạy chầm chậm lại trên những con đường nhỏ trong khu phố gần nhà, trời vẫn còn lạnh, nhưng nắng đã lên, tôi nhìn thấy hoa daffodil, hoa xuyên tuyết, hoa hyacinth  đã e ấp nở những nụ vàng, tím, trắng, hồng nho nhỏ, những bụi hoa mai forsythia thì vàng rực lên theo nắng. Các con đường sạch sẽ như vừa được ai lau chùi và nhìn kìa: hoa đào tháng Ba lại về! Hoa lồng lộng những đám mây hồng dọc theo hai bên phố, rẽ ngã nào cũng thấy đào nở, nơi thì bốn năm cây đứng chụm vào nhau ở công viên như đang họp bạn, nơi thì hàng loạt nhô lên sau những bức tường hàng rào của mỗi khu vườn như nhà có khách đến chơi, có khúc phố thì hai hàng hoa đứng sắp hàng hai bên đường giao nhau, tung những mái tóc hồng rối vào nhau như duyên, như nợ. Tháng ba Tây Bắc là tháng của hoa đào, trên những gốc cây đã luống tuổi như Dì tôi, cái thân già cỗi đó vươn ra những cành hoa như những cánh tay thiếu nữ, nụ hoa như những nụ hôn trẻ thơ, như những giọt lệ cô dâu, làm mới lại cả một khu phố với những ngôi nhà cũ kỹ, già nua. Cả một vùng không gian bỗng tinh khôi, tươi, non, dòn tan như cắn được.

Tôi vừa lái xe vừa miên man liên tưởng giữa những nhánh hoa đào trước mặt và những em bé Việt Nam của chùa Vạn Hạnh cuối tuần qua trình diễn văn nghệ trong thư viện Seattle của chương trình Tìm Hiểu Con Người và Văn Hóa Việt Nam. (Một trong những chương trình của người Việt sẽ được tổ chức suốt mùa xuân qua mùa hè tại thư viện Seattle trong 2005). Tôi nhớ lại cái cảm giác rưng rưng của mình khi nhìn các em ở tuổi mười hai, mười ba, mặc áo dài, cầm quạt giấy múa “Khúc Ca Đồng Tháp”. Tuổi mười hai, mười ba là bắt đầu bước vào tuổi “teen” ở Mỹ, tuổi vỡ da, tuổi dậy thì. Biết bao hứa hẹn, biết bao kỳ vọng của mẹ cha, thầy cô đặt vào. Các em múa theo băng nhạc và hát theo câu hát: “Đây Tháp Mười phương Nam ta thân yêu, bông lúa vàng, vàng tươi trong nắng chiều ..... Ai đi cho nhớ xóm làng quanh năm cầy cấy cho nhà, nhà Việt Nam” giữa một thư viện Mỹ rộng lớn, với hàng chục ngàn cuốn sách, cả trăm máy vi tính, kỹ thuật hiện đại tân kỳ.

Các em có biết Đồng Tháp ở đâu không? Có em nào đã may mắn được cha mẹ cho về Việt Nam thì chắc hai bàn chân các em cũng chẳng bao giờ đặt lên mảnh đất Đồng Tháp, nơi có những thôn xóm và những em bé Việt khó nghèo khác, lớn lên với ruộng, với vườn, các em bé này chắc gì đã được cắp sách đi học. Cái cảm giác rưng rưng, buồn buồn đó cứ ở lại trong lòng tôi cả mấy hôm nay.

Bây giờ tôi lái xe đi giữa những đám mây hồng của tháng ba hoa đào rực rỡ trong nắng hai bên đường, với nước hồ Sammamish xanh biếc tháng Giêng xuân phía dưới con dốc, với hình ảnh Dì tôi có hai bàn tay trong suốt gân, xương và chiếc xe lăn, lẫn lộn với hình ảnh các em bé Việt Nam múa quạt trong thư viện Mỹ, các em bé Việt Nam đang lớn lên ở phần đất có tên là Đồng Tháp. Có phải tất cả những thứ đó là đời sống hiện hữu, là quê hương xa tắp, là lịch sử sang trang, là dòng nước trôi đi, là thời gian xóa bỏ phía sau, là tương lai đi tới trước mặt?

 Tôi thở nhẹ, thả tôi bơi chậm rãi theo dòng sông sinh mệnh của riêng mình, dòng sông tôi vừa tìm thấy trong mắt Dì sáng nay.