Wednesday, June 4, 2014

CHIẾC NÓN CỜI


                      Gửi anh chị PhạmTử Thiên với lời cám ơn

 Năm ngoái, đến Dallas dự một cuối tuần họp mặt anh chị em văn nghệ sĩ, tôi theo chân người bạn xứ Quảng đến nhà người thân của anh. Tôi được anh báo cho biết là sẽ được ăn mì Quảng ở đấy, một tô mì Quảng chính hiệu. Đón chúng tôi ở cửa là hai người đàn ông trọng tuổi, ông chủ nhà và một người bạn, cả hai nói tiếng Quảng đặc sệt, tôi cố nghe bằng cái tai Bắc kỳ cũ của mình tiếng được tiếng không. Một người đàn bà từ trong bếp chạy ra chào chúng tôi trên tay còn cầm đôi đũa bếp. Bà được giới thiệu là chủ nhà, người thân của anh bạn. Bà cười, nụ cười thân thiện, tươi tỉnh mời chúng tôi vào nhà, rồi lại chạy ngay vào bếp. Một chiếc bàn tròn đặt giữa bếp và buồng gia đình đã dọn sẵn bao nhiêu món ăn trên đó: Nào là nem chua, chả chiên, tré, bánh gai, bánh nếp, bánh ú.v.v. Ông chủ nhà giới thiệu hầu như tất cả những món ăn đó đều do bếp nhà làm, bếp nhà nấu.

Tôi xin phép được vào bếp xem bà chủ nhà nấu mì Quảng, gia chủ lên tiếng gọi vợ và đưa tôi vào bên trong, nhưng không phải vào cái bếp xây ở trong nhà mà là một cái bếp biến chế đặt ở ngoài sân sau.

 Chao Ôi là cái bếp! Một cái bếp khác hẳn những cái bếp mà tôi từng thấy ở bên ngoài nước Việt Nam. Đó là một cái bàn nhỏ hình chữ nhật, chung quanh phía trên được quay lại bằng một miếng thiếc lớn, bên dưới gầm bàn có bình gas, trên bếp hai cái nồi nấu mì Quảng đang sôi sùng sục. Đằng sau lưng của bà Bếp một cái bàn khác xếp đủ mọi thứ: Từ rổ rau, nồi xoong, chai nước mắm, lọ muối, con dao, cái thớt, tất cả mọi thứ cần dùng cho nhà bếp. Cái làm tôi chú ý nhất là nột cái thùng nhựa cao, đựng một thứ nước đục lờ, tôi đoán là thùng đựng tất cả những thức ăn thừa, hoặc thức nấu thừa đổ vào đấy. Tôi nhìn xa hơn chút nữa là một mảnh vườn xanh biếc đủ các thứ rau dưa cần dùng cho bà nội trợ, tôi biết ngay mục đích của cái thùng “nước gạo quê nhà” này. Bà chủ nhà mời tôi bước vào vườn, Bà chỉ từng bụi rau, cây cà, cây ớt, cây chanh, bụi xả, bụi húng, bụi lá gai để làm bánh gai. giàn mướp, giàn bầu. Bà cắt nghĩa cái đang ra hoa, cái đã bắt đầu hết mùa. Bà nói tiếng Quảng, tôi vừa nghe vừa nhìn nét mặt, miệng nói của bà để hiểu rõ hơn. Da bà nâu hồng, khuôn mặt xương xương, miệng tươi, hai mắt sáng. Bà di chuyển nhanh nhẹn giữa cái bếp và mảnh vườn con. Cúi xuống hái thêm một nắm rau thơm, bà nói:

“Cái mì Quảng ni, phải có rau thơm vào hắn mới ngon.”

Ngôn ngữ mỗi miền có cái đẹp riêng của nó. Tại sao lại gọi tô mì bằng tiếng “Hắn” thân yêu như thế nhỉ! Làm như tô mì là một cậu thanh niên có tay, có chân, cũng ngồi vào bàn ngay bên cạnh mình. Miền Bắc, miền Nam đâu có gọi như thế bao giờ. Nếu thử thay đổi câu nói đó như thế này: Cái mì Quảng này, phải có rau thơm nó mới ngon. Thì chữ “nó” đúng là tô mì rồi. Nhưng chữ “hắn” thì thật quá là “Người”. Chao ôi là cái tuyệt vời của ngôn ngữ! Chỉ một tiếng thả lơi trong câu nói lại bỗng nhiên biến thành mệnh đề chính.

Bà chủ nhà mời mọi người vào bàn, mỗi người một tô mì bốc khói trước mặt. Ông chủ xếp lên bàn cả mười lon bia cho bốn người đàn ông. Ông với tay lên nóc cái tủ chén sau lưng lấy xuống một chồng bánh tráng mè, chia cho mỗi người một cái, ông vừa bẻ từng miếng nhỏ bỏ vào tô mì vừa nói:

”Bánh này do bà ấy làm đấy!” Rồi ông kể chuyện làm bánh tráng mè của bà.

“Các bà xứ Quảng rủ nhau làm bánh tráng, cũng bấy nhiêu bột, bấy nhiêu nước mà không hiểu sao khi đem bánh phơi, bánh cứ bị nứt ra. Mãi sau các bà mới khám phá ra là tại cái nắp nồi. Cái nắp nồi phải là cái nón cời, không thể dùng cái nắp kim loại được.”

 Tôi hỏi cái nón cời là nón gì? Thì được cắt nghĩa là một cái nón rách. Cái nón lá phải cũ, phải rách, khi đậy lên lớp bột tráng trên miệng nồi thì mới thoát hơi nước ra ngoài được, do đó khi đem đi phơi thì bánh mới không nứt. Quả thật, khi bắt đầu dùng cái nón cời làm nắp, bánh phơi ra nắng, không có cái nào bị nứt.
Tôi cúi nhìn chiếc bánh trên tay. Cái bánh nguyên vẹn, tròn như mặt trăng rằm, những hạt mè trắng rang vàng rắc lên mặt như những chùm sao bay lạc vào đấy. Nghe chùm sao bay lạc vào mặt trăng kể cũng lạ thật. Nhưng không sao cả, cứ tưởng tượng ra như thế thì khi bẻ một miếng bánh tráng cho vào miệng, chẳng khác nào như được ngậm một mảnh thơ.

Tôi bẻ miếng bánh thơ cho vào miệng, bánh thơm phức, giòn tan. Tôi chỉ ăn hết nửa tô mì Quảng vì còn phải để bụng ăn thêm những món khác bầy trên bàn. Bà chủ nhà bóc một chiếc bánh gai đen bóng ra mời, bánh trộn bằng bột nếp và lá gai tươi hái ở ngoài vườn, nhân bánh bằng đậu xanh, tán nhuyễn, trộn đường, có vài sợi dừa và mứt bí. Bà chủ nhà quý khách quá, vừa tiếp ăn vừa nói.
 “Bánh ni đem về được, mỗi người gói một ít đem về nhà, không hư được đâu.”
Tôi thật thà: “Chị cho em thêm mấy cái bánh tráng này, bánh ngon qúa!”
 Cả hai ông bà cùng vồn vã:
“Lấy đi, bà ấy làm hoài mà.”
“Đem về hết đi, mai mốt tôi sẽ làm thêm. Bữa ni con dâu sanh, tôi phải chạy qua trông thằng cháu nội 3 tuổi, rồi còn phải nấu cơm cho mẹ nó nên không có làm nhiều.”
Tôi nhìn hai bàn tay gầy guộc của bà, những ngón tay có hình dạng như củ gừng, móng tay cụt ngắn, không sơn phết, không mang nhẫn ngọc, nhẫn vàng gì cả bằng con mắt cảm phục. Tôi nhớ người Trung Hoa nói phụ nữ có bàn tay trông như củ gừng là người phụ nữ đảm đang, giỏi quán xuyến gia đình, chồng con được nhờ.

Tôi hỏi nhỏ “Chị tuổi gì mà đảm đang quá vậy!”

“Tuổi Dần, cực lắm cô ơi! Tuổi Dần vừa mần vừa ăn, nên tôi làm cả ngày. Cứ cái vườn cái bếp nhà mình xong, lại qua nhà con.” Bà nói tiếng than với nụ cười rạng rỡ trên mặt như người ta nói về một niềm hạnh phúc chỉ riêng mình có.

 Chúng tôi vừa ăn, vừa nói chuyện, hết chuyện nấu nướng đến chuyện văn chương, thơ phú. Sao mà bây giờ ở hải ngoại nhiều thi sĩ thế. Nơi nào có người Việt là có thi sĩ in Thơ, ra mắt. Thi sĩ nhiều hơn văn sĩ, vì làm một bài thơ coi bộ nhanh hơn nghĩ một truyện ngắn. Anh bạn tôi cười :

-Làm vè còn nhanh nữa.

Tôi kể lại chuyện tối hôm qua gặp nhau, tôi nghe một nhà văn trẻ nói :
-Em thật ghét cái câu: Mỗi người Việt Nam là một thi sĩ quá! Thế nào cũng có lúc em viết bài phản đối câu này.

Tôi bảo:

-  Cẩn thận, câu này bây giờ được dùng thường xuyên là câu mở đầu cho những lần ra mắt thơ đó.

Chúng tôi đề cập đến những lỗi sai trong một bài thơ hay bài văn bây giờ rất ít vì tác giả tự đánh bài trên máy vi tính rồi gửi thẳng đến tòa báo. Không còn cái cảnh “ Trái tim bi thương” đánh sai thành “ Trái tim bị thương” nữa. (Đánh sai như thế này thì chính tác giả bị thương chứ không phải thơ.)

Hai mươi năm trước mà gửi bài đến tòa báo bằng một cái disket cũng là văn minh lắm rồi. Tiếp chuyển đến thời kỳ gửi bằng email, mới thực tuyệt vời. Chỉ cần năm phút sau là nhận được, thêm mười phút nữa là có thể thay đổi một phần nội dung bài viết. Không ngạc nhiên khi biết hiện nay trên toàn thế giới mỗi ngày có hơn 600 triệu người dùng email để liên lạc với nhau.(So với năm 1974 mới có con số hàng trăm–mà chỉ trong quân đội-) Viết tiếng Việt thì hầu như người viết nào cũng có font tiếng Việt ở máy vi tính của mình.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi dùng email chuyển bài cho Văn Học, và Hợp Lưu được cả hai ông Chủ Bút gửi lời khen ngợi, mừng rỡ như gặp Lý Toét lên tỉnh. Tôi biết khi tác giả dùng email chuyển bài thì những người phụ trách tạp chí rất mừng, mừng vì không phải lóc cóc đánh bài lại, và không khổ vì nạn các tác giả gọi tới, gọi lui đòi sửa một chữ trong bài thơ hay thêm một, hai dòng vào bài viết. Bây giờ tác giả tự sửa lấy bài mình rồi gửi lại chỉ cần nhắn vài chữ. “Bỏ bài trước, lấy bài này nghe!” Thế là cả người nhận lẫn người gửi đều vui vẻ, ăn ngon, ngủ yên, không còn phải cái khổ nằm trằn trọc suốt đêm, đợi sáng mai gọi điện thoại sửa bài, rồi gọi không gặp cộng thêm một ngày nữa nôn nao trong ruột.

Đời sống văn minh kỹ thuật càng ngày càng thay đổi, nhất là kỹ thuật điện toán, thay đổi đến chóng mặt, cái lap top này mới ra, giá hai ba ngàn đô, chỉ độ hai, ba năm sau cái khác có mặt giá rẻ hơn và tân kỳ hơn.
Anh bạn kêu lên:
- Ôi! Lại còn cái mục chụp hình, chụp ảnh nữa chứ! Thấy cái máy hình Digital không? Chụp cái tách, xem liền trên máy, thích thì giữ, không thích thì xóa đi, cho vào máy vi tính, mọi người xúm lại xem. Có máy in, có giấy in hình, in ra ngay phát cho mỗi người một tấm. Hồi tôi mới qua,1992, đến nhà bạn ăn cơm, chụp hình, lúc về các cháu cho mấy tấm hình đem về, đã khâm phục cái One Hour Photo, và cho là sướng lắm rồi.

 Tôi nói thêm:
-Còn cái vụ trên xe hơi có bảng chỉ đường( Navigator) mới hấp dẫn làm sao!
Anh đánh cái địa chỉ vào xe, xe hướng dẫn anh đi từng chặng, rẽ phải rẽ trái đến tận nơi anh muốn đến. Nếu anh đi quá một quãng đường thôi là máy biết ngay, giống như có người đang ngồi bên cạnh, chỉ cho anh quay lại từ con đường anh đi lạc. Tôi là người rất dốt về phương hướng, tôi mê nhất cái kỹ thuật này.

Chúng tôi, mỗi người một tiếng khen, chê sự thay đổi của đời sống kỹ thuật nói chung ảnh hưởng đến đời sống tâm hồn thế nào, và gia đình, xã hội cũng nhận được những thăng trầm biến đổi theo những ảnh hưởng đó.
Có tiếng trẻ con từ ngoài cửa chạy a vào. Thằng bé lên ba làm cả nhà ngưng đề tài đang nói. Nào là ông nội, nào là Bố bắt khoanh tay cúi chào các ông, các bà. Thằng bé ngoan ngoãn làm theo lời, giọng nó ngon như miếng bánh nếp của bà nội vừa bóc ra. Nó chạy a lại phía bà nội. Hai bà cháu rúi rít ôm nhau, bà khoe:
-Thằng ni, hắn giỏi nịnh bà nội, bao giờ tôi cho nó ăn nó cũng khen bà nội nấu ngon quá!
Bà quay ra nói với con trai:
-Con đem thức ăn về cho vợ con, mẹ xếp sẵn rồi.

Khi tôi trở về Seattle, ngồi trên máy bay, mở miếng bánh tráng mè của người đàn bà xứ Quảng ra nhâm nhi. Cái bánh tráng tròn như trăng rằm, có rắc những hạt sao mè thơm tan trong miệng tôi. Tôi nhớ đến cái bếp để ngoài sân, đến thùng “nước gạo” đến cái mảnh vườn con của bà. Bà mang cả một góc xứ Quảng trong hồn đặt vào mảnh đất khô khốc của một xứ sở xa xôi của miền trung nước Mỹ. Mặc cho đời sống xã hội bên ngoài thay đổi đến chóng mặt. Cái tiểu gia đình của bà vẫn có người đàn ông ngồi ở bàn cơm chờ vợ mang thức ăn đặt trước mặt, để ông ngồi nói chuyện thơ văn, có bà mẹ với bàn tay củ gừng nấu những tô mì Quảng, tự làm bánh tráng cho cả nhà, có bà nội vừa ôm cháu, vừa nấu ăn cho con dâu mới sanh.

Mảnh vườn nhỏ xanh biếc trong hồn bà như một chiếc vòng ngọc không tì vết, chiếc nón cời như một mái che hạnh phúc đơn sơ mà kỳ diệu, kỳ diệu đến nỗi không có một văn minh kỹ thuật điện toán nào len vào được, vì khi nó len vào, nó sẽ chẳng khác nào cái nắp nồi kim loại làm những vừng trăng hạnh phúc nứt ra mất.

Texas 2005