Tuesday, June 10, 2014

CHUYỆN MỘT NGƯỜI H.O.

Chuông điện thoại reo, tôi nhấc lên, giọng một người đàn ông Việt Nam nói trống trong máy:
- Tôi muốn đem con tôi tới khám bệnh.
- Chào ông, xin ông cho tôi biết một vài điều về cháu.
Tôi lấy tên bệnh nhân, tên người cha và số điện thoại. Cô bé mười hai tuổi bị cảm, ho và sổ mũi, nhưng không bị sốt và vẫn đi học.Tôi hẹn sẽ gọi lại ông Thân (tên người đàn ông) sau khi tham khảo với y tá. Y tá hướng dẫn là: cô bé chỉ cần nghỉ ngơi, uống thật nhiều nước, ăn nhẹ. Cảm là do mấy con siêu vi (virus) không chữa bằng thuốc, chỉ cần thời gian tự nó sẽ hết.
Tôi gọi cho ông Thân, lập lại lời khuyên của y tá. Ông Thân không bằng lòng, gắt lên trong máy:
- Tại sao lại không cho con tôi gặp bác sĩ, mấy người làm ăn kỳ cục quá. Yêu cầu cô ra nói lại với bác sĩ là tôi muốn đem con tôi vào ngay bây giờ.
Biết gặp một thân chủ khó tính, tôi vội vàng ra nói với y tá là cứ để cho ông Thân mang con vào, cho ông ấy an lòng. Y tá bảo:
- Thời khóa biểu hôm nay đầy cả rồi. Mình phải để chỗ cho những người bệnh nặng và trẻ sơ sanh. Cô bé đó vẫn đi học được tôi nghĩ không có gì là nguy kịch. Bà nói với ông ấy cứ theo lời chỉ dẫn, đợi đến mai mà cháu có sốt hãy mang vào. Còn không thì phải đợi ít nhất là từ mười ngày tới hai tuần, bệnh cảm mới hết, chứ không có thuốc nào chữa khỏi ngay đâu.Tôi biết là khó mà nói để cho ông Thân nghe theo, nhưng chẳng còn cách nào khác. Tôi lập lại lời y tá. Ông Thân hét lên trong điện thoại, những lời ông nói ngoài điều dự đoán của tôi:
- Tôi nói cho bà biết để bà nói lại với y tá và bác sĩ ở bệnh xá là: tôi gửi lời mắng họ. Tôi không phải là người vượt biển sang đây. Chính phủ Mỹ phải mời, tôi mới sang, phải đưa đón tôi bằng máy bay. Bây giờ con tôi ốm, bảo cứ ở nhà, uống nhiều nước là khỏi. Tôi đâu có phải người ngu. Tôi đem con tôi đến ngay bây giờ. Bác sĩ phải khám cho nó, nếu không tôi sẽ đi kiện cho mất việc.
Ông nói xong, không đợi tôi trả lời, ông gác máy nghe thật nặng.
Tôi buông máy xuống, ngồi ngẩn ra một lúc. Không biết phải làm điều gì trước. Lòng tôi bỗng nhiên buồn bã. Tôi biết là tôi đã gặp một ông H.O, một người tù lâu năm trong trại cải tạo. Có thể ông cũng đã bị biệt giam, đã bị đánh đập. Tinh thần ông chắc là bị dao động. Tôi bỗng thấy thương ông hơn là giận. Tôi chuẩn bị cho tôi sẵn một tinh thần bình tĩnh, sáng suốt và nhân hòa để đón trận cuồng phong của ông. Tôi vào nói với y tá:
- Mình gặp khó khăn rồi đó, ông ta nhất định đem cô bé vào để khám. Tôi nghĩ nếu không có buồng, mình cũng nên đo nhiệt độ, hỏi han và cho thuốc ho đem về để ông ấy hài lòng. Mình bận thế này, không có thời giờ cắt nghĩa nhiều cho một người đang mất bình tĩnh đâu.
Bà y tá đồng ý vào lấy sẵn một chai thuốc ho, một chai Tylenol. Ông Thân, hai mươi phút sau mới đến. Ông không đem theo con gái. Tôi đoán trong đầu là ông đi một mình cho dễ nổi giận. Nhưng tôi đã nhanh trí ra chặn ông trước khi ông kịp nổ bùng:
- Thưa ông, tôi có nói chuyện với bác sĩ và bác sĩ có gửi thuốc cho cháu đây. Thuốc ho, ông cho cháu uống hai lần một ngày, thuốc Tylenol chỉ uống khi nào cháu nóng đầu. Ông nhớ cho cháu uống thật nhiều nước và nếu có thể ông cho cháu nghỉ học một, hai ngày.
Tôi vừa nói vừa đưa hai lọ thuốc cho ông. Ông không ngờ là mất cơ hội nổi giận, ông im lặng cầm hai chai thuốc, mặt vẫn còn hậm hực. Tôi làm quen:
- Ông sang đây được bao lâu rồi ạ.
- Hai tháng, ông trả lời ngắn.
Tôi tiến thêm một chút xa hơn:
- Vất vả quá ông nhỉ. Sang Mỹ ở tuổi này mà con còn nhỏ. Thôi cứ được đến đâu hay đến đó ông ạ. Thế ông ghi tên đi học thêm Anh văn chưa?
Khuôn mặt ông như thư giãn ra một chút, giọng nói ông nghe mềm mại hơn:
- Có ghi tên, đi học ba tuần qua rồi, mà coi bộ học không vào. Tù mười hai năm về, đầu óc nó đặc rồi, học coi bộ không vào.
Tôi biết là ông cần được nghe lời an ủi. Tôi nói:
- Vâng, ngần ấy năm trong tù thì còn gì là sức khỏe với tinh thần nữa. Chúng tôi, những người may mắn không bị tù đầy, lại được đi trước, không phải sống với Cộng Sản. Lúc nào nghĩ lại vẫn thấy thương và biết là chúng tôi quả thật có mang ơn những quân nhân bị đi cải tạo. Và chỉ mong được trả cái ơn ấy cho những người đến sau.
Ông Thân đứng im, không nói gì. Một lúc sau ông nói, giọng hơi rung:
- Cám ơn bà, tôi về.
Ba hôm sau, tôi nhận được điện thoại của ông gọi lại. Ông nói từ tốn:
- Con gái của tôi, cháu bớt nhiều rồi. Tôi cho cháu nghỉ một ngày thôi, cháu đi học lại rồi.
- Tốt quá. Đấy ông thấy không, cảm thì không cần phải trụ sinh hay thuốc men gì lắm đâu.
- Cám ơn bà, bà cho tôi xin lỗi về những lời tôi nói ngày hôm trước, ông nói, giọng ngập ngừng.
- Ông chẳng có lỗi gì cả. Tôi chúc ông và cháu được nhiều may mắn.
Hai tháng sau. Tôi gặp ông ở chợ người Việt. Ông dắt cô con gái đến chào. Qua trò chuyện, tôi mới được biết là ông sang đây chỉ có hai bố con. Tôi không hỏi về người vợ và ông cũng không nói.
Trên đường lái xe về, tôi thấy lòng mình mang mang. Tôi thấy thương ông hơn. Và hình như Món Nợ Vô Hình giữa tôi và những người H.O mỗi ngày một to hơn.