Tuesday, June 10, 2014

CHUYỆN Ở CHỖ LÀM

Tôi làm việc cho Sở Y Tế của thành phố Seattle đã hơn năm năm. Tôi là Thông Dịch Viên cho bênh nhân người Việt đi bác sĩ không biết nói tiếng Anh. Tôi cũng còn phải phụ trách mỗi năm từ ba đến bốn lớp Hướng Dẫn Sản Khoa cho những sản phụ, nhất là sản phụ người Việt. Việc làm thêm của tôi là dịch những bản tin y tế, những dữ kiện về thuốc men và những dịch vụ của Sở Y Tế. Với công việc này, tôi rất gần gũi với những gia đình H.O mới sang, những gia đình có con lai và ngay cả những người con lai sang Mỹ có một mình. Mỗi ngày là một cơ hội cho tôi áp dụng khả năng và sức chịu đựng của mình vào công việc (Đã có nhiều người làm trước tôi, chỉ độ tám tháng đến một năm là nghỉ việc). Tôi có thể đo lường tình thương và lòng quan tâm của mình đối với đồng hương đến đâu sau một ngày dài làm việc.

Một buổi sáng, tôi vừa bước vào sở, chưa kịp để túi ăn trưa vào tủ lạnh, đã nghe tiếng máy gọi tên tôi ra gặp thân chủ (client). Trước mặt tôi là một người đàn ông vào khoảng trên bốn mươi tuổi, ăn mặc gọn gàng, khuôn mặt đầy lo lắng. Ông tiến về phía tôi, hạ giọng: 
- Em có việc quan trọng, muốn nhờ chị.
Tôi cúi đầu chào khách, hướng dẫn ông sang khu ngồi chờ bác sĩ.
- Ông vào đây, ông cần tôi giúp chuyện gì?
- Dạ, vợ em có bầu.
Tôi cười:
- Có bầu thì sanh, chứ ông làm gì mà nghiêm trọng thế. Bà ấy đâu?

Người đàn ông lúc đó mới đưa tay chỉ một người đàn bà đang đứng lóng ngóng ở cuối bệnh xá:
- Vợ em đứng ở đàng kia, cô ấy xấu hổ quá. Đã ngoài bốn mươi rồi, con út đã mười ba tuổi. Chúng em đâu có tính sanh nữa.
Tôi đi về phía cuối bệnh xá đón người đàn bà lại.
- Bà ngồi xuống đây. Có mang bao lâu rồi?
Người đàn bà nói lí nhí trong miệng:
- Chắc là hai tháng.
Nói xong, chị lại đưa mắt nhìn chồng. Người đàn ông đưa tay vò đầu mình:
- Chúng em xa nhau cả sáu năm rồi, vợ em mới đoàn tụ sang đây được ba tháng. Tưởng đã lớn tuổi rồi đâu còn sanh được nữa.
Tôi nói đùa:
- Ông lớn tuổi nhưng ông chưa già. Mỗi năm vẫn có thể sản xuất được. Bây giờ tôi sẽ làm một cái hẹn để cho bà đến khám tổng quát và xác định rõ là có bầu bao lâu rồi.
Người đàn ông lại đưa tay gãi đầu:
- Chúng em không có bảo hiểm, cũng không có phiếu y tế thì làm sao bây giờ?
Tôi hỏi lại:
- Ông nói rõ cho tôi biết tình trạng gia đình, công việc làm của ông bà, xem tôi có thể thu xếp cách nào. Trước tiên cho tôi biết tên ông bà đã, từ lúc vào đến giờ tôi chưa biết tên ai cả. Tên tôi thì ông biết rồi.  Vừa nói tôi chỉ vào cái thẻ nhân viên cài trên ngực. Người đàn ông nói như kể lể:
- Em tên Hùng, vợ em tên Thảo. Em vượt biên sang đây, đi làm ngay, nhưng không có bảo hiểm. Em làm giấy bảo lãnh cho vợ con sang, khi vợ con được giấy đi thì ông chú em khuyên nên mua nhà cho vợ con có chỗ ở. Vì năm mẹ con với em là sáu đi thuê nhà khó lắm. Chú em còn cho mượn thêm tiền để đặt cọc. Em mua nhà được vài tháng thì vợ con có giấy báo được qua, và đúng một tuần sau khi đón vợ con về, em thất nghiệp. Bây giờ tiền trợ cấp chắc chắn là xin không được, lương thất nghiệp không đủ trả tiền nhà lấy đâu ra tiền cho vợ em đẻ. Chị có thể nhờ bác sĩ phá thai hộ vợ em không?

Tôi từ tốn nói để hai vợ chồng nghe rõ:
- Tôi nghĩ là tôi có thể xin hộ cho bà Thảo thẻ y tế, vì ông đang thất nghiệp. Thẻ y tế này sẽ trả tiền khám thai cho đến ngày sanh và khám sức khỏe cho người mẹ hai tháng sau khi sanh. Cháu bé được săn sóc y tế cho đến mười tám tuổi.
Tôi nói tiếp, rất dè dặt:
- Thẻ y tế này cũng trả tiền cho cả dịch vụ phá thai. Nhưng ông bà hãy về nghĩ lại quyết định này vài hôm, rồi cho tôi biết sau. Bây giờ mình vào gặp nhân viên làm giấy tờ đã.
Bốn ngày sau, hai vợ chồng trở lại. Người chồng vẫn có tật gãi đầu cố hữu khi muốn bày tỏ một điều gì:
- Tụi em nghĩ kỹ rồi, chắc là giữ cái thai khó khăn thật đấy, nhưng mà về bàn với cả nhà, trẻ con có đứa nó không chịu. Nhất là con bé út nhà em.
Hai vợ chồng quyết định giữ cái thai, mặc dù đã có lời khuyên của bác sĩ là phụ nữ mang thai ở tuổi ngoài bốn mươi rất có thể cái thai không được lành mạnh. Bà Thảo cũng từ chối không chịu cho lấy nước bọc ối (amniotic fluid) để thử nghiệm Down Syndrome. Không may, em bé chết trong bụng trước ngày sanh một tuần vì bệnh tim. Điều này khi đi khám định kỳ, bà Thảo đã được báo cho biết là có thể xẩy ra.

Dù không phải bổn phận của mình, tôi cũng làm việc cùng với nhân viên xã hội để xin đất, xin hòm miễn phí cho em bé. Khi hai vợ chồng đặt một cái bia cho con, họ cũng đến nhờ tôi. Ông Hùng nói:
- Chị đã lo hộ chúng em thì chị lo cho trót. Em chẳng biết nhờ ai.

Tôi phải liên lạc với người chủ nghĩa trang xin cho được trả góp tiền mộ bia cho cháu. Bà Thảo, sau khi phục hồi tinh thần và sức khỏe, đã cùng chồng đi nhận may bagpack (túi xách) cho học trò. Hai vợ chồng biết tôi có ba người con, đến cám ơn bằng ba cái túi đi học. Mặc dù con tôi đã lớn không còn dùng bagpack nữa, tôi cũng nhận (rồi đem cho nhà khác) cho họ vui. Hôm ba mươi Tết, tôi có đem biếu họ hai cái bánh chưng mua ở nhà thờ và một lọ dưa món làm ở nhà. Bà Thảo ôm lấy tôi nói:
- Khi em ở Việt Nam, em cứ nghe người ta bảo mấy người đi trước, họ không có thân thiện với người sang sau đâu. Bây giờ em mới biết là không đúng. Chị tốt quá.
Tôi bảo:
- Nếu chị làm công việc của tôi thì tôi nghĩ chị cũng làm với hết cả tấm lòng.