Thursday, June 12, 2014

CHỐN AN TOÀN

     (Giải Commentary / Editorial của New California Media  2003)

Con gái chị đang làm thiện nguyện cho Hồng Thập Tự ở thành phố Nữu Ước. Chị muốn con gọi điện thoại về nhà mỗi ngày, chị dặn dò: 
 - Không có ai ở nhà, thì con cứ nhắn vào máy cho mẹ an tâm.
Chồng chị bảo:
 - Con gái lớn rồi, đi làm việc xã hội được rồi, em đừng có lo lắng quá đáng. Một tuần gọi một lần cũng được.
 - Con lớn lên nhưng em lúc nào cũng còn là bà mẹ nhỏ, chị cãi lại chồng.
 Đúng, chị thấy rõ ràng là chị không lớn lên theo con. Khi các con bắt đầu vào Đại Học, muốn ra ở riêng hoặc đi xa là chị không bao giờ ngủ yên giấc. Cô con gái chị mới bước vào tuổi hai mươi, mới học được xong hai năm đầu của đại học thì muốn nghỉ một năm đi làm việc xã hội. Cô ghi tên đi làm cho hội thiện nguyện Americorp, vừa làm xong một năm hiện còn đang chờ khai trường đi học lại thì “cô bé” nhận đi làm thiện nguyện tiếp tục cho Hồng Thập Tự.

Chị hài lòng về công việc con chọn làm với tất cả nỗi lo lắng của người mẹ. Khi cô làm cho Americorp thì chị còn an lòng hơn, vì chị biết những công việc như đi xây cất nhà hoặc phân phát thực phẩm cho người nghèo, dạy học cho trẻ em khuyết tật, thu dọn cảnh hoang tàn sau khi bão tới một thành phố nào đó; những việc đó có vất vả nhưng không nguy hiểm. Mỗi tuần chị liên lạc với con một hay hai lần cũng được. Nhưng lần này cô làm công việc ở New York, một nơi vừa bị khủng bố, lại còn đang bị đe dọa vì những vụ đầu độc bằng vũ khí sinh học, làm lòng chị lúc nào cũng bồn chồn. Tối qua cô gọi về trấn an mẹ:
 - Sáng mai họ gửi con xuống khu phố Tàu, có thể con sẽ gặp người Việt Nam ở dưới đó và con sẽ làm thông ngôn cho họ.

Chị hỏi:
 - Liệu con có thông ngôn được không?
 - Con sẽ cố gắng, mẹ quên là con có một nửa Việt Nam à? Chắc chắn là con nói được tiếng Việt giỏi hơn chồng của mẹ, con gái chị trêu mẹ.
  Chị cười, chỉ nội câu cô nói “chồng của mẹ” cũng biết con mình nói tiếng Việt giỏi đến đâu rồi.
  Chị gác điện thoại, dọn cơm lên bàn, nhìn bữa cơm đơn giản trên bàn chỉ có hai người ăn chị thấy lòng nao nao. Lễ Tạ Ơn năm nay cậu con trai lớn chắc không về, con gái thì gần lễ Giáng Sinh mới xong công tác thiện nguyện, chỉ có cậu út ở nhà thôi. Đây là lần đầu vào một ngày lễ mà không đủ các con. Các con của chị liệu chúng có được an toàn trong những ngày lễ hay không? Sau cái thảm nạn 11 tháng 9, đời sống bắt đầu toàn bằng những câu hỏi.
 Tối qua chị đọc một bài báo nói về nghi thức bỏ tro cốt của những nạn nhân ở New York vào những chiếc bình để cho thân nhân cất giữ. Người ta xúc tro bỏ vào những cái trống rồi được Mục Sư làm phép ngay tại nơi hoang tàn đổ nát. Sau đó, những chiếc trống được đem đến khu One Police Plaza, cất vào một gian phòng vừa được dọn sạch và sơn lại để tỏ lòng kính trọng, Mục Sư làm phép thêm một lần nữa và quốc kỳ được phủ lên mặt trống, có lính canh suốt hai mươi bốn tiếng một ngày. Tro được chuyển sang những chiếc hộp nhỏ có hình dáng quan tài, như muốn đặt người tử nạn vào chỗ nằm cuối cùng, giống một vụ chết bình thường vẫn làm. Sau đó tro cốt được xúc vào mấy ngàn chiếc hũ tròn có khắc những con số oan nghiệt 09-11-01. Để tránh xúc động cho thân nhân, họ đã làm công việc này trong thầm lặng và làm với tất cả lễ nghi cung kính. Các cảnh sát viên thi hành phận sự đều mặc lễ phục, mang găng trắng, những gian phòng để tro cốt được sơn lại, dọn dẹp thật sạch, những chiếc bàn trải khăn trắng hoặc khăn đen, hoa đặt chung quanh tường, đèn được giảm ánh sáng, và nhạc êm dịu được cất lên thật trang trọng. Không có ai khóc thành tiếng nhưng lòng ai cũng nhỏ lệ.

Mấy ngàn cái hũ tro cốt này được giao lại cho thân nhân. Họ sẽ đem về cất giữ ở nơi chốn mà họ cho là an toàn nhất. Có người chắc sẽ đem gửi ở nghĩa trang, có người sẽ đem lên nhà thờ, chùa, hay đem đến một nguyện đường nào đó và có người sẽ mang về nhà. 

Nhưng thật sự những nơi đó có được gọi là chốn an toàn như trước đây nữa không?  Cái hình ảnh trang nghiêm và đầy cảm động của nghi lễ xúc tro mô tả trong trang báo đã theo chị vào giấc ngủ. Mũi chị như ngửi được mùi khói âm ỉ, tay chị như chạm được vào những đống gạch vụn và hình như chị nghe được cả những tiếng khóc ấm ức nghẹn ngào của rất nhiều người. Chị còn nghe cả tiếng bom dội từ một nơi rất xa xăm và nhìn thấy những chiếc bóng người dài ngoằng ăn mặc lôi thôi, dắt díu nhau chạy loạn. Những đứa bé có hai con mắt sâu thăm thẳm, nhếch nhác ngồi ăn gói thực phẩm có chữ U.S.A, ở một nơi toàn cát là cát. Những người đàn ông da ngăm đen, đầu quấn khăn, râu rậm, mắt sâu, với nét mặt đằng đằng sát khí đang hô những khẩu hiệu của chết chóc. Cứ thế, chị trăn trở cho đến sáng.

Chị hỏi bạn bè rằng bây giờ ở đâu sẽ được coi là chốn an toàn nhất?

Có người đã nói là nên về những tỉnh nhỏ ở, người thì bảo về Việt Nam, người thì bảo cứ việc ở trong nhà, đừng đi đâu cả là yên tâm nhất. Không đến chỗ đông đúc, không lên máy bay, không đi xe hỏa, xe đò, thì chẳng ai khủng bố đuợc mình cả. Nhưng có người lớn tuổi đã dậy chị một câu: “Chỗ an toàn nhất là cái tâm của mình”. Khi tâm mình yên ổn, bình tĩnh thì mình không hồi hộp lo sợ, và nhất là không sợ hãi quá đáng. Chao ôi! Thật khó mà yên ổn.

 Những người bạn Mỹ ở chỗ chị làm việc thì tinh thần rất mạnh mẽ, họ nói:
- Đời sống phải tiếp tục tiến tới. Không thể ngồi đó mà vừa khóc than cho tai nạn đã đi qua vừa sợ hãi cho tai nạn sẽ ập tới bất ngơ.

 Thế mà đã hơn một năm trôi qua, cô con gái của chị đã về trường tiếp tục đi học, những chuyến bay vẫn cất cánh đều đặn ở các phi trường, người người lại bay vào dòng đời hối hả như những hạt bụi bay cuốn trong không gian. Như tất cả những người khác, vợ chồng con cái chị cũng là những hạt bụi đang bay trong đó, những hạt bụi không tự chọn cho mình được chốn đáp xuống. Chốn rủi ro hay chốn an toàn? Nhưng chị biết, những thanh niên, thiếu nữ như cô con gái chị, họ quên mình khi đi làm việc thiện, tâm họ rất bình an.

Đối với những người làm việc vì lòng nhân ái, đúng là: Tâm bình, thế giới bình!