Friday, June 27, 2014

VIẾT GÌ

 Tôi dự tính viết một cuốn sách. Có cả chục ý tưởng của tôi trong đầu cộng thêm độ sáu ý tưởng của bạn bè.Người nào cũng nghĩ rằng ý kiến về nội dung cuốn sách họ đưa ra cho tôi là đáng viết nhất và là đúng nhất, làm tôi thấy cái ý riêng của mình bị lung lay.

Một người nói, bạn nên viết về hôn nhân dị chủng đi, viết sẽ hay vì bạn có kinh nghiệm đó và bạn biết nhìn ra cái khác biệt ở trong những điều giản dị; người khác nói, sao cô không viết về mấy đứa trẻ Việt Nam lớn lên ở Mỹ này bị giằng co giữa hai nền văn hóa; một ý kiến khác đề nghị viết về mấy ông bà Việt kiều về nước ăn chơi đi, đề tài đó hấp dẫn lắm, nói được cả hai mặt xã hội. Vì là người dễ xiêu lòng nên ý kiến “viết gì?” của riêng tôi vẫn chưa được xếp ưu tiên. Tôi định viết về những người đàn bà đã đi qua trong đời tôi như mẹ, dì, chị, chị dâu, em gái tôi và hai bà mẹ chồng tôi; hay về những bà bạn thân, sơ, bà nhà văn, bà nhà bếp, bà công chức của tôi, cả những người đàn bà tôi tiếp xúc ở chỗ làm việc bán thời gian hoặc những bà tôi chỉ gặp ở chợ một lần. Chao ôi, một trung đội đàn bà, tha hồ mà viết!

 Tôi tự hỏi mình, tôi có dám viết thật ý nghĩ, nhận xét của tôi về những người này hay không? Sau khi họ đọc những điều tôi viết ra, dù là tiểu thuyết, liệu tôi có phải dọn hẳn sang nước khác định cư hay không? Sợ rồi có thể chẳng ai còn muốn nhìn thấy mình nữa. Vì tôi biết phụ nữ không thể nào chịu đựng được sự thật về mình, họ sẽ chỉ muốn tôi viết về họ giống hệt như là họ tưởng tượng về họ. Tôi có thay tên, hoán đổi hoàn cảnh của họ đi, cam đoan họ vẫn nhận ra được căn cước của họ, nếu tôi viết quá thật thà. Tôi có chị bạn thân lắm, lúc nào nhà chị có khách hay có bạn ở xa đến là chị muốn tôi đi ăn đi chơi với bạn chị. Chị tuyên bố rất thân tình: “Tôi nuôi Tú như nuôi cưỡng, có khách đến là đem ra khoe, rồi bắt hát”, thật ra, chị đã mang thơ tôi tặng bạn trước rồi, có khách chỉ bắt trình diện thôi.(Tôi sẽ viết cái vụ này vào sách).

 Bây giờ lòng cứ đầy ăm ắp về cuốn sách định viết làm tôi hay tỉnh dậy vào hai, ba giờ sáng, cố dỗ lại giấc ngủ mà không được vì ông chồng nằm bên cạnh đang đọc thơ Quang Dũng “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, nên có nhét bông gòn vào tai cũng không có hiệu quả.

 Trở dậy, tìm con gấu. (Xin được nói về con gấu  này. Hồi ở Việt Nam tôi có một con gấu mầu nâu cũng to bằng con này do người yêu mua cho. Tôi đi ngủ với tình yêu và gấu. Năm 1975, gấu phải ở lại Việt Nam. Tôi qua Mỹ, lập gia đình và có con ngay, có con để ôm thay cho gấu. Mười năm sau các con ở tuổi không cho mẹ ôm lúc ngủ nữa, chồng tôi mua cho con gấu trắng này trong một dịp lễ Giáng Sinh, nó có một tay ngắn, một tay dài, cầm một cây gậy nhỏ trắng, đỏ - “candy cane”- cái kẹo giáng sinh, mắt có gắn lông nheo nữa. Tôi trở lại thói quen ôm nó khi bắt đầu dỗ giấc ngủ. Con gấu này bây giờ hơn hai mươi tuổi rồi, nó bẹp dí, rơi hết lông nheo, trụi cả lông vì được tôi ôm lâu. Không có nó lúc bắt đầu ngủ thì tôi thấy chông chênh như người nằm trên thuyền hay bị bỏ vào sa mạc một mình. Có đêm tôi đọc sách lâu, mỏi mắt rơi vào giấc ngủ, thế mà chỉ ngủ một giấc thật ngắn là phải choàng dậy mò mò trong tối tìm xem nó đâu để lôi lên nằm sát vào người, mới yên tâm ngủ tiếp. Thỉnh thoảng đi xa, không mang được nó theo tôi rất khó chịu. Có những cái rất giản dị, rất nhỏ bé trong đời sống, đối với người này chỉ là ba cái vớ vẩn nhưng đối với người kia lại là một sự cần thiết đến nghiêm túc, như chuyện con gấu và giấc ngủ này chẳng hạn. Tôi đã dặn chồng con là khi tôi chết muốn chôn hay đốt tùy ý nhưng không được quên con gấu, nó phải được đi theo tôi, vì tôi đã phải đổi nhà mới, giường mới mà không có nó thì làm sao ngủ được). Tôi xách con gấu sang phòng khác, mang theo mấy cuốn truyện mới mua ở Việt Nam về, ra đọc. Việt Nam đang có phong trào dịch sách mới của các tác giả trẻ Trung Quốc, tôi đang đọc Điên Cuồng của Vệ Tuệ, cô này viết khá trung thực và đang được giới trẻ ở Trung Quốc hâm mộ.

 Đọc sách một lúc mỏi mắt tôi xuống bếp pha một bình trà mộc Thái Nguyên, kiếm được miếng pho mai và mẩu bánh mì ăn tạm. Trong lúc nhai miếng pho mai bùi bùi trong miệng, tôi bỗng thấy mình thật là ngộ nghĩnh, uống trà Thái Nguyên mà ăn pho mai thì đúng là xung đột văn hóa, thế mà vẫn thấy ngon, có lạ không? Ý nghĩ này khiến tôi thấy trong cái phức tạp của hôn nhân dị chủng, đôi khi vẫn chứa đựng chút ngọt ngào.

 Viết gì cho cuốn truyện dài đầu tiên? Vẫn chưa đi đến quyết định. Người bạn thân ở xa sốt sắng giục tôi, còn tử tế hứa phụ tôi làm sẵn cái dàn bài nữa. Anh là người khuyến khích tôi viết về hôn nhân dị chủng. À, hóa ra cuộc hôn nhân dị chủng của tôi được mọi người chú ý đặc biệt. Tôi đã nhiều lần được (hay bị) phỏng vấn về đề tài này cả về phía độc giả lẫn các bạn văn. Tôi tự hỏi người ta tò mò xem tôi có thật sự hạnh phúc như mặt mũi lúc nào cũng tươi rói thế kia hay không? Thi sĩ hạnh phúc thế thì làm sao mà thi sĩ làm thơ tình cho hay được? Người ta đòi hỏi người làm thơ tình ở Seattle cũng phải đau khổ nhăn nhó như mấy ông thi sĩ ở Bolsa. Thật là thất vọng khi thấy một thi sĩ quần áo sạch sẽ, lúc nào cũng như vừa ở buồng tắm bước ra, mà mặt mày lại hớn hở, trông chẳng giống thi sĩ gì cả.

 Người ta còn tò mò hỏi những bạn thân của tôi, chắc bà này chỉ viết văn làm thơ chứ không làm một việc gì khác? Thật là oan cho tôi, tôi cũng muối dưa, kho cá, giặt giũ và làm vườn như tất cả các bà nội trợ khác mà thôi. Không tin hãy hỏi các con và các bạn tôi sẽ rõ.

 Viết gì? Phong trào viết một cuốn sách để thành một nhà văn vào lúc giối già đang thịnh hành cả ở trong và ngoài nước, thành phần nào cũng có. Bác sĩ, giáo sư, công chức ở tuổi về hưu đều muốn thành nhà văn hay được gọi là nhà thơ. Có sách in, có ra mắt sách, được một người có tên tuổi viết tựa cho là thành Nhà Văn, Nhà Thơ ngay. Phải thành thật mà nói, có người chỉ mới viết lần đầu mà đọc đã thấy hay rồi, đã thấy họ nói được cái điều họ muốn nói rồi. Nhưng số này rất ít, và hình như họ chỉ viết một lần rồi thôi, như que diêm chỉ có một tiếng cười (thơ Du Tử Lê). Phần còn lại thì có cố gắng đó nhưng không có khả năng. Báo chí ở trong nước viết rất nhiều về văn sĩ và thi sĩ cố gắng này. Ở hải ngoại thì bạn bè tôn trọng nhau, họ thông cảm nhau nên sẵn sàng đi dự và mua về một cuốn sách của người bạn, xếp vào kệ sách cho đầy.

 Viết gì? Bao nhiêu tư tưởng chạy qua trong đầu tôi, viết theo Tự Truyện, Tiểu Thuyết, hay Ký? Sách sẽ dầy bao nhiêu trang, và khả năng của mình đến đâu, mình sở trường loại nào? Thời gian viết cuốn sách sẽ là bao lâu? Mình phải tự đặt mình vào kỷ luật, lúc nào thì bắt đầu và lúc nào thì phải xong? Viết xong rồi có xuất bản ngay hay đăng báo dần, rồi có định dịch sang tiếng Anh hay không? Bao nhiêu câu hỏi lung tung trong đầu.

 Tôi lôi ra được ở kệ sách của mình cuốn The Writer’s Handbook. Mở chương đầu tiên ra, thấy kê ở hai dòng đầu:

 1. Khảo sát thế giới riêng của bạn ( Explore your own world/ Sloan Wilson)

 2. Phát triển tối đa tài năng của bạn (Making the most of your talent/Marjorie Holmes)

 Khảo sát thế giới riêng của bạn. Sloan Wilson viết, khi bà học ở Harvard, thầy giáo của bà đã dậy bà như thế này: Cô chẳng tưởng tượng được cái gì và cũng chẳng sáng tạo được cái gì, cô chỉ xếp đặt lại thôi. Đừng nên buồn về chuyện đó. Đó là tất cả mà mọi người có thể thực hiện được. Chỉ có Thượng Đế mới sáng tạo. Con người thì chỉ xắp xếp lại.

 Đó là tư tưởng của thầy giáo bà, nhưng đúng hay không còn phải suy luận rộng ra thêm nữa. Chúng ta ai cũng biết Stephen Crane viết tiểu thuyết nổi tiếâng về chiến tranh mặc dù ông không tham dự vào chiến tranh. Những nhân vật như Tazan, và những chuyện Khoa Học Giả Tưởng chẳng phải là sản phẩm của tưởng tượng sao?

 Phát triển tối đa tài năng của bạn. Marjorie Holmes viết: Bạn phải phát triển tối đa tài năng của mình, bạn đã nhận được nhiều quá ngay từ lúc chào đời. Tôi cảm thấy vui với đoạn viết này. Tôi cảm thấy buồn buồn, tôi xúc động với hình ảnh họ nghĩ ra. Tôi biết nếu bạn tha thiết đủ, bạn có thể viết được những điều đẹp đẽ cho những người ao ước sự đẹp đẽ. Vì đó là bổn phận.

 Đó là bổn phận.. ..

Tài năng là một bổn phận. Cả bạn và tôi chẳng có phải làm gì cả khi nhận được tài năng (của trời cho). Nhưng mỗi người chúng ta có rất nhiều việc phải làm với cái gọi là tài năng đó.Tôi mạnh dạn khuyến khích bạn là mỗi chúng ta nên dùng cái tài năng mình có cho một mục đích về cái tài năng đó, bất cứ là tài gì, nhưng đặc biệt về viết lách nó cưu mang đến hai trách nhiệm: Thứ nhất không được phí phạm tài năng đó. Thứ hai phải tận dụng tài năng đó vĩnh viễn. Marjorie Holmes viết khá dài về hai điều trên ( tôi sẽ đọc sau này).

 Đó mới là mấy dòng đầu tôi cần phải đọc trước khi bắt tay vào viết. Bây giờ trong khi chờ đợi quyết định viết gì, thì thong thả làm thơ.



 Sướng thật!