Sunday, June 8, 2014

THÙ HẬN VÀ THA THỨ

Cái chết thảm thương của ba ngàn người Mỹ trong vụ khủng bố tại World Trade Center và Pentagon đã cho chúng ta thấy gì ở tình nhân loại. Nhìn hàng ngàn người Mỹ trên khắp các tiểu bang cầm quốc kỳ, cầm hoa, cầm tay nhau trong nước mắt, gục đầu làm lễ truy điệu ở từng thành phố, những lá quốc kỳ lớn nhỏ treo rũ trước tư gia, trước công tư sở, những đuôi người nối nhau hiến máu ở bệnh viện; nghe tiếng chuông giáo đường của các tôn giáo khác nhau cùng đổ lên một lúc để chia xẻ cái tang chung cho cả nước, nghe những bản tin của các nước bạn sẵn sàng phụ lực để trừng phạt kẻ thù…, ta thấy rõ quả thật con người có lòng xót thương và tình đoàn kết.

Nhìn tấm hình in trên báo những trẻ em lên tám, lên mười nét thơ ngây còn nguyên trên mặt, vỗ tay vui mừng khi thấy cái chết tức tưởi của hàng ngàn người, ta thấy rõ, quả thật hạt giống thù hận được gieo từ bàn tay cha ông hàng chục năm về trước trên những mảnh đất còn xuân.

Đọc trên báo chí những lời phẫn nộ của những người yêu nước, thương đồng chủng nhất định sẵn sàng võ trang, hy sinh cá nhân đi vào chiến tranh. Họ khẳng định: Chúng ta phải nhìn nhận là chúng ta đã mắc kẹt vào một cuộc chiến không có lòng thương hại và tha thứ.

Cái nhìn ngay thẳng của tuổi trẻ đã đặt ra những câu hỏi khó trả lời: Chúng ta là ai và chúng ta sẽ hành động thế nào trong Thế Giới.

Ta thấy rõ, quả thật làm công dân của một cường quốc tự do, chưa chắc đã là không có vấn đề. Đây là một dịp để chúng ta ôn lại những tư tưởng của các tôn giáo, của những bậc thánh và của những nhà hiền triết. Để an ủi, để nâng đỡ tinh thần nhau, cũng như nhắc nhở về cuộc đời, về con người và về lẽ sống chết. Cả nước Mỹ đang hướng về miền Đông, nhìn đống gạch vụn khóc than cho những thân xác bị chôn vùi dưới đó. Nhưng đống gạch vụn đó có chôn được cái “tâm” của con người không?

Chúng ta hãy cùng đọc mấy trích đoạn dưới đây của các tôn giáo khác nhau.

Bài thứ nhất trích ra từ Cựu Ước:

Dưới gầm trời đều có mùa cho mỗi sự vật, và một thời cho cho mỗi mục đích:
Một thời để sinh ra, và một thời để chết; 
Một thời để trồng xuống, và một thời để nhổ đi;
Một thời để giết, và một thời để chữa lành;
Một thời để phá vỡ, và một thời để xây dựng;
Một thời để khóc thầm, và một thời để cười vang;
Một thời để tang tóc, và một thời để nhẩy múa;
Một thời để ném những viên đá đi, và một thời để gom những viên đá lại với nhau;
Một thời để ôm ấp, và một thời chấp nhận buông ra;
Một thời để chiếm đoạt, và một thời để mất đi;
Một thời để giữ lại, và một thời để quăng đi;
Một thời để phá đứt, và một thời để khâu lại;
Một thời để giữ thinh lặng, và một thời để lên tiếng;
Một thời để yêu, và một thời để ghét;
Một thời để chiến tranh, và một thời để hòa bình.

 Bài thứ hai là tư tưởng của Lão Giáo:

 Cái gì rồi cũng qua
 Một mặt trời không mọc suốt buổi sáng
 Cái gì rồi cũng qua
 Một đám mây che không che suốt cả ngày
 Cái gì rồi cũng qua
 Mặt trời cũng không lặn suốt đêm
 Cái gì rồi cũng qua
 Cái gì luôn thay đổi?
 Mặt đất...bầu trời...tiếng sấm...
 núi ...nước...
 gió...lửa...hồ
Những thứ này thay đổi
Và nếu những thứ này không tồn tại?
Mắt nhìn của con người có tồn tại hay không?
Còn ảo ảnh của con người ?
Hãy chấp nhận những cái gì đến Cái gì rồi cũng qua

Dưới đây là tư tưởng của nhà Phật về sự vĩnh cửu của “tâm”:

Hình hài chết nhưng tâm (spirit) không chôn vào mộ . Hai bài đọc và tư tưởng trên, đã hướng dẫn cho ta chấp nhận cái tuần hoàn trong vũ trụ, cái đến và đi. Và trên hết đã nhắc ta nhớ lại cái mong manh của mọi vật trên trái đất này kể cả tư tưởng và hình hài của mình. Cuối cùng cái còn lại vẫn chỉ là một chữ “tâm”, cái chúng ta không dùng tay mà giữ lại được.

Con người được sinh ra mang trong nó cả cái xấu lẫn cái tốt, cả ác lẫn thiện. Tùy theo môi trường được nuôi dậy mà cái ác ở lại, hay cái thiện ở lại. Ác hay thiện đều bắt nguồn từ những điều rất nhỏ nhoi trong đời sống hàng ngày. Mỗi ngày chúng ta nghe bao nhiêu điều xấu, nhìn thấy bao nhiêu điều tốt. Chúng ta phải làm gì để cho cái thiện ở lại với con người. Để ngăn cho cái ác nhỏ không trưởng thành được. Điều này không dễ, nhưng thử cố gắng xem. Thí dụ như khi bị một ai đó nói lời lăng nhục, thì hãy mời người đó nghe câu chuyện của Đức Phật sau đây.

“Khi Đức Phật ngồi tu hành ở trong một góc rừng, có rất nhiều người đến để noi gương và nâng đỡ Ngài. Đồng thời cũng có rất nhiều người thấy không theo được Ngài nên đã ganh ghét tìm những lời xấu để bôi nhọ Ngài. Ngài biết, nhưng không hề có phản ứng. Một phụ nữ đến hỏi Phật là tại sao Ngài lại không trả lời những kẻ cố tình hạ nhục Ngài? Đức Phật đã hỏi lại người phụ nữ rằng: Tôi hỏi bà, nếu có ai đem cho bà một vật gì, mà bà không nhận thì vật ấy có thuộc về bà không?

Khi chúng ta không nhận những lời xấu, thì những lời đó sẽ trả lại cho người nói. Và lòng thù hận sẽ không có chỗ đứng. Cái ác sẽ không lớn lên được.

 Ngay trong buổi chiều hôm nước Mỹ bị thảm họa của quân khủng bố, những người Công Giáo đủ mọi sắc dân đã đến nhà thờ cùng nhau hát Kinh Hòa Bình của St. Francis: “ Lậy Chúa xin hãy dùng con làm khí cụ Bình An của Chúa. Để con: Đem yêu thương vào nơi oán thù; Đem thứ tha vào nơi lăng nhục; Đem an hoà vào nơi tranh chấp; Đem chân lý vào chốn lỗi lầm; Vì chính lúc thứ tha, là khi được tha thư;. Chính lúc yêu người là lúc được người mến yêu.
  
Chúng ta noi gương Phật: Trả cái ác lại cho người ác. Noi gương thánh Francis: Xin được trở thành khí cụ Bình An của Chúa, để đem yêu thương vào nơi oán thù. Noi theo lời hướng dẫn của Lão Giáo: Hãy chấp nhận những cái gì đến. Cái gì rồi cũng qua đi.

Chúng ta thắp một ngọn nến, cầu nguyện cho người xấu trở nên tốt, người tốt trở nên tốt hơn. Cầu cho tất cả mọi người trên mặt đất.

1 Lee Fowble/Seattle Times
2 Jerry Large/Seattle Times
3 Ecclesiastes 3: 1-8 (tmt chuyển ngữ)
4 Taoism (tmt chuyển ngữ)
5 Buddhism (tmt chuyển ngữ)