Monday, June 16, 2014

NHÌN LẠI MÌNH

Trưa ngày 21 tháng Tư năm 1975, tôi rời Sài Gòn, bỏ lại cả một quãng đời thanh xuân không bao giờ còn lấy lại được. Tất cả dấu tích của một người bỗng dưng mất tiêu trên chính quê hương mình. Trường học, giáo đường, chùa miếu, phố chợ thân quen, bỗng chốc xóa sạch như có ai cầm một bức tranh còn ướt mực nhúng xuống nước, nó nhòe loang không còn hình dáng gì cả, vết còn lại rất mơ hồ trên giấy. Trong cái túi xách đi theo có mấy cái thẻ: thẻ Căn Cước, thẻ nhà báo AP, thẻ vào Macvi, thẻ vào Nha Chiến Tranh Chính Trị và cuốn Kiều, cuốn Chinh Phụ Ngâm, cái áo dài nội hóa, hai bộ quần áo thay đổi, và hai trăm Mỹ kim. Ông Chánh Văn Phòng “The Associated Press” dặn không được đem theo bất cứ một cái gì cồng kềnh. Vào đến sân bay Tân Sân Nhất nhân viên của UPI, ABC, NBC mỗi người mang theo hai, ba cái va li to tướng. May quá, mình không mang theo được gì nhưng mang theo được Bố Mẹ vì lúc đó còn độc thân.

 Khi miệng cái máy bay C-130 đóng lại, nước mắt như biển mặn, sợ hãi vô cùng, một thân với cha mẹ già, bay lơ lửng vào nơi vô định. Anh, chị, em, cháu còn ở bên dưới đất giữa những tai ương bủa vây bốn phía.

 Thế mà nhắm mắt lại, mở mắt ra đã hơn ba mươi năm. Soi gương đuôi mắt rạn chân chim, trên má có một vài chấm tàn nhang, muốn môi đỏ thì phải thoa son, chân tóc mọc lên đã lấp lánh bạc, nhìn xuống hai bàn tay, gân tay như những đường xương lá. Hai bàn tay đã nhận bao nhiêu may mắn ơn huệ của đất trời, hai bàn tay đã bao nhiêu lần quẹt ngang nước mắt, hai bàn tay đã bao lần gửi gấm tin yêu trong hơi ấm của hai bàn tay khác. Thời gian như nước chẩy dưới chân cầu bắc qua hồ Washington, như mây tụ rồi tan trên bầu trời tây bắc, như những giọt mưa soi mòn trên phiến đá trước cửa nhà.

Thời gian đến rồi đi, thản nhiên và tàn nhẫn. Mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông, rồi sau một đêm ngủ dậy, lại một mùa Xuân về ngay trên cành đào già nua nhất. Hơn ba mươi mùa xuân ở đây rồi ư? Bạn bè gặp nhau thảng thốt. Mỗi người nói lại một hai điều xẩy ra trong đời mình, có người thì bảo:
 - Hơn ba mươi năm mà sao vẫn chẳng có gì lạ.

Người khác cãi lại: 
- Lạ chứ, mình suy nghĩ bây giờ cũng khác, mình nói năng cũng khác, cách sống của mình cũng thay đổi. Thì thổ ngơi khác, hoàn cảnh khác, làm sao sống như cũ được. Ngay cả bây giờ mình có về Việt Nam sống, cũng đâu có sống như ngày trước được nữa, cái xã hội mới nó đảo ngược, xổ tung ra, rồi sắp lại theo một khuôn cách khác, mình không nhận ra được nữa, mình giống như một du khách thôi. Nói gì mà lạ thế, đất nước mình bao giờ mà chẳng là đất nước mình, tại mình không chịu hòa mình vào thôi.”

- Ừ cứ về đi, rồi biết!

Cuộc tranh cãi về quen lạ chắc chẳng bao giờ chấm dứt. Nói gì thì nói, có người Việt bây giờ hoàn toàn không liên lạc, thân thiện với người Việt, họ sống, sinh hoạt với người bản xứ, thế thôi. Họ không cần cắt nghĩa.

 Có người thì nếu không được sống ở khu có người Việt, không được nói tiếng Việt mỗi ngày, không được hoan hô, đả đảo, không được đôi ba năm về thăm Việt Nam một lần thì họ sẽ khổ sở vô cùng.

 Có người sống lơ mơ phơ phất như lá cuối thu trên đất lạ sau mười mấy năm tù đầy trên chính quê hương mình. Ngồi hè quán xứ người, uống ly cà phê buổi sáng, nghĩ đến quê hương không muốn về nhưng vẫn nhớ thiết tha.

 Có người kể chuyện di tản của ba mươi năm, hai mươi năm về trước với tất cả bất hạnh xẩy ra mà vẫn sống còn như một phép lạ. Phép lạ này đôi khi nghe ở câu chuyện khác lại là phép lạ chỉ xẩy ra duy nhất cho một người trong một gia đình.

Có người suốt mấy chục năm sống trên đất lạ, quên mình, làm những điều hữu ích cho đồng bào của mình, không phân biệt Quốc Gia hay Cộng Sản, chỉ nghĩ đến người Việt, nước Việt của mình, đưa thân ra gánh rất nhiều tai họa của cả hai bên.

Sống ở trên đời ghê gớm quá
Mà ta sống được có kỳ không?
(thơ Tô Thùy Yên)

Trời cho một mối tình canh cánh bên lòng, một người đàn ông đi bên cạnh, cho những đứa con ngoan ngoãn, cho căn nhà để ở, cho thức ăn mỗi ngày, cho chăn đắp giường nằm. Sau hơn ba năm chỉ còn hai vợ chồng luống tuổi nhìn nhau. Trẻ con đi làm, đi học mỗi đứa một tiểu bang, ngày lễ, ngày hè về như gió đến, đi như mây trôi.

Cha mẹ chỉ còn lại trên những tấm hình, thân thể đã chôn sâu trong đất, cha chôn ở phương Nam, mẹ chôn ở Tây Bắc. Tội nghiệp cha mẹ! Suốt một đời người chạy giặc, đến già vẫn còn phải theo con ra khỏi nước. Trẻ tha con, già con tha, con tha đi đâu thì đi đó, con chôn ở đâu nằm đó, sống cũng theo con, mà chết cũng theo con. Vợ chôn một nơi, chồng chôn một chốn. Con cái bảo nhau: Bố mẹ gặp nhau ở Thiên Đàng rồi, không cần phải di chuyển bộ xương khô làm gì. Chao ôi, làm sao với được nhau!

 Cám ơn trời ban cho một tấm lòng biết yêu thương những con chữ. Khi các con đẻ đi xa, thì các con chữ quanh quẩn bên mình, mình dắt tay chữ, chữ đứng trước mặt mình, chữ vào giường ngủ, chữ thức dậy cùng với mình. Có khi mình hoa cả mắt vì con chữ đông quá, kéo đến ồ ạt. Con chữ và con đẻ cùng có một điều rất giống nhau là bao giờ mình cũng phải nhớ đến chúng, phải lo lắng vì chúng. Chúng là một phần xương thịt của mình.

Ba mươi năm chúng vẫn ở với mình, sáu mươi năm chúng vẫn còn đấy. Chỉ có mình một ngày nào đó không nhận được ra chúng hoặc chính mình mất hút về một nơi xa xăm nào đó không có chúng đi cùng.