Friday, June 27, 2014

CHUYỆN TRÒ VỚI ĐÁ

 Anh dắt cô ra biển xem mặt trời lặn, biển mùa đông mặt trời lặn sớm. Khi hai người đến nơi thì mặt trời đang sửa soạn để trầm mình. Anh chỉ cho cô những giải ánh nắng mầu đỏ nằm song song với biển, nói:
 - Em nhìn đi, mặt trời xuống nước nhanh lắm. Những đám sương ở phía Nam sắp phủ lên mặt trời bây giờ. 

 Hai người vừa đi vừa theo dõi đám sương ở phía Nam. Góc biển bên đó đã chìm hẳn vào bóng tối. Cô nắm chặt bàn tay anh, bàn tay lúc nào cũng truyền cho cô hơi ấm. Họ đi song song với biển. Anh cúi xuống, cô cúi xuống. Chiều nay họ chú tâm chọn lựa những viên đá sỏi, nên quên cả hôn nhau. Viên nào họ cũng thấy đẹp. Họ chia nhau xem viên nào cô sẽ cất ở nhà và viên nào anh sẽ mang đến bàn viết ở sở. 

 Đám mây phía Nam đã phủ chụp lên mặt trời, phủ chụp lên hai người, phủ chụp lên bãi cát, những viên đá đen nhòe trong bóng tối.  Họ khoác tay nhau đi song song với biển, những viên đá biển nằm ngoan ngoãn trong túi áo lạnh của hai người. Họ đi như thế, chìm trong bóng tối, chìm trong nhau, im lặng nghe tiếng đá sỏi thầm thì trong túi, nghe hạnh phúc đời người hiếm, quý như những giọt mặt trời còn sót lại trên biển.

 Buổi tối, ăn cơm chiều xong anh hỏi:
- Mấy viên đá em cất đâu, em có lấy nhầm của anh không đấy?
 Cô cười:
- Nhầm sao được, mấy viên của em nhỏ và đẹp hơn. Của anh, em để ngoài xe, để mai anh nhớ đem đến sở, còn của em, em để ở bàn ngủ. Tối nay em còn ngắm nghía lại.
Biết tính cô đến bây giờ vẫn còn hay đem những cái mình thích vào giường ngủ giống như thời còn rất trẻ, anh hỏi:
 - Em không định đem mấy viên đá vào trong giường chứ? Anh không muốn đêm đang ngủ lại moi ra được viên đá dưới lưng. 

Cô cười cười, không nói gì. Anh hiểu, tối nay anh sẽ cong người ôm lưng cô và cô sẽ cong người ôm mấy viên đá biển.
- Thế Đá có mặt trên trái đất này bao lâu rồi?, mấy ngón tay vừa vuốt ve trên lưng Đá vừa hỏi.
- Ồ, mới vào khoảng bốn, năm tỷ năm thôi.
- Đá già quá nhỉ. Thế Đá nghĩ gì về loài người?
- Loài người à? Khó nói quá, họ còn trẻ và làm điều gì cũng nông nổi. Tuổi mới có độ một trăm ngàn năm thì làm sao mà phán đoán được. Phải đợi khi họ làm nên lịch sử đã.
- Không, muốn hỏi Đá về cách con người đang sống kìa. Họ yêu, hờn, giận, ghét như thế có đúng không?
- Sao hỏi dấm dớ thế! Biết thế nào đúng, thế nào sai. Loài người ai cũng cho mình là nhất, đúng cả. Nhưng cô ơi, Thượng Đế sinh ra con người, cho sướng, cho khổ, cho khóc, cho cười. Ông ấy viết kịch bản cho mỗi người rồi đứng xem ai diễn xuất hay, dở thế nào. Đôi lúc ông ấy muốn thay vở kịch, đổi vai tuồng, ráng chịu. Làm gì được ông ấy.
- Vậy con người có cần Tôn Giáo không?
- Tôn Giáo là cái gì vậy? Tại sao Đá đang ở núi, ở biển lại đem về xay ra, đẽo đục rồi thờ. Giết nhau, cãi nhau vì thờ những tảng đá, hòn đá khác nhau. Chẳng biết đến bao giờ thì trí óc của loài người mới trưởng thành. Cứ chém nhau, giết nhau, ghét nhau, ganh tị nhau, xong rồi đi thờ một tảng Đá thì có phải là “Đạo” hay không?
- Nếu không có Tôn Giáo thì sẽ lung tung lắm. Vì không ai sợ gây tội, tha hồ làm xằng, tha hồ chém giết, gây nên chiến tranh.
- Cô ơi! Có loài người phải có chiến tranh chứ. Chính vì những cái gọi là “Tôn Giáo” làm nên chiến tranh đấy.
- Thế giới của Đá không bao giờ có chiến tranh à?
 - Không đến nỗi gọi là chiến tranh, chỉ xích mích nhẹ thôi. Hồi đó hai ngọn núi Mt.Hood và Mt.Jefferson là hàng xóm của nhau bỗng không còn thân thiện nữa. Họ gây hấn với nhau. Bầu trời bỗng tối xầm, hai ông Thần Núi quần thảo nhau tiếng rền vang vọng, cả hai làm thành những cơn sấm và những viên đá có hình quả trứng văng ra từ cả hai trái núi. Người ta đặt tên cho những viên đá trứng đó là Trứng Sấm bị lấy đi từ những con Chim Sấm (1)
- Thế ngoài Đá với Đá đánh nhau có bao giờ Đá đánh ai khác không?
Đá cựa mình một cái, lăn khỏi những ngón tay đang gãi trên lưng Đá.
- Cô chóng quên nhỉ, cái truyện Sơn Tinh Thủy Tinh cũng của nhà cô chứ nhà ai? Cái giống người là giống hiếu chiến, hiếu sát. Trước kia chưa có loài người thì làm gì có chiến tranh trên mặt đất. Sông, hồ, đá, biển, núi, rừng sống thật yên lành. Tự nhiên Đá dại dột đi yêu cái giống người mà lại yêu một người phụ nữ như cô đấy, nên đã đánh nhau cả với Thủy Thần. Bây giờ thì tỉnh ngộ rồi.
- Thế Đá nghĩ gì về trận chiến ở Iraq?
- Ồ, chẳng quan tâm lắm, chẳng qua chỉ là một trận đánh nhỏ trong những trận chiến của hai ngàn năm nay thôi. Có gì lạ đâu? Mà sao là đàn bà mà cứ hay hỏi về chiến tranh thế, hỏi việc khác đi.
Những ngón tay lại loay hoay tìm Đá ôm vào lòng.
- Thế Đá nghĩ gì về Văn Học Nghệ Thuật? Thế giới của Đá có hội họa, thơ phú gì không?
- Hỏi gì lạ vậy? Loài người có khác, chỉ biết mình, mà không biết đến thế giới chung quanh. Trong thế giới của Đá có đầy đủ cả: văn chương, âm nhạc, hội họa, tình yêu. Tình yêu của Đá còn sôi động bằng trăm lần tình yêu của loài người với nhau. Khi núi lửa hoạt động, khi địa chấn hoành hoành là Đá đang yêu đấy. Những tảng đá lớn xô vào nhau văng ra hàng ngàn mảnh nhỏ là Đá đang yêu đấy, Đá sanh con đẻ cái đấy. Đá áp dụng lời khuyên bảo của Thượng Đế: Hãy yêu nhau và sanh con cái; Multiple!, Multiple! And Love.
Còn về văn chương à. Đá có ngôn ngữ của Đá. Bài phú “Bái Thạch Vi Huynh”( Lậy Đá nhận làm anh) của Phan Bội Châu cũng được dịch ra ngôn ngữ của Đá rồi. Thơ phú của loài người ca tụng Đá cũng được Đá thưởng thức và nhớ:
 Thủa ban sơ trên trái đất này
 Hẳn nhiên núi đã cao vời vợi
Người từ ngàn dậm đứng trông lên
 Đá dựng ngất ngư đầu chới với (2)
Nhưng tâm loài người còn động quá! Còn phải tu nhiều mới có cái tâm của Đá được. Còn âm nhạc nữa. Mấy cái anh nhạc sĩ loài người này sao đi học bao lâu rồi mà vẫn không nhớ Đá bao nhiêu tuổi, cứ hỏi hoài:
“Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi rồi?”. Xong lại nghêu ngao “Đá đau niềm đau của đá”, Đá chẳng bao giờ đau cả. Câu thơ “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” học mãi mà không thuộc. Khổ thật!
Mấy ngón tay lại gãi gãi, xoa xoa lưng Đá.
- Đá chê thơ loài người ở chỗ nào? - Ủy mị, thiếu hiểu biết. Thơ phú của loài người thì cứ than ầm lên là “Tôi cô đơn như đá”. Thật sự nếu cứ để Đá ở ngoài thiên nhiên thì không bao giờ Đá cô đơn cả. Khi Đá song song với biển, khi Đá giữa cánh đồng hoa, khi soi mình xuống sông, hay ngâm mình trong suối. Chỉ khi bị loài người mang Đá về, đẽo gọt đặt lên ngai xì xụp hương khói thì lúc bấy giờ Đá mới thấy lạc lõng, cô đơn. Hội họa của Đá thì vượt xa loài người. Chỉ cần lấy ra một vài bức họa của Đá làm thí dụ: bức tranh Đá vẽ ngoài Vịnh Hạ Long ở Việt Nam, bức tranh của mấy trăm tảng đá nhô lên mặt biển mà loài người bảo đấy là Tiên Đồng Ngọc Nữ từ trời xuống chơi rồi ở lại; dẫy Rocky Mountains hùng vĩ chạy dài từ Canada tới Colorado, dẫy núi xuyên lục địa với những quang cảnh đẹp đến nín thở; Gate of the Mountains trên con sông Missouri chảy qua Helena, bang Montana, mỗi lần thuyền đi đến đâu thì hai cánh cửa Đá từ từ mở ra ngay trên mặt nước cho thuyền vào, loài người nhìn thấy cảnh Thiên Thai của Lưu Nguyễn ngay trước mặt mình, khi thuyền đi ra, quay đầu lại, thấy hai cánh cửa Đá từ từ khép kín; núi đá vôi Rock of Gibraltar thuộc Tây Nam Âu Châu cao tới gần một ngàn bốn trăm trượng không phải là một nét phóng cọ tuyệt vời của Thượng Đế hay sao? 

 Những bức tranh Đá như thế thì ngay cả tranh của Michael Angelo cũng không đem ra so sánh được.
Có tiếng cười khúc khích trước câu hỏi:
- Thế Đá có yêu ai, có thất tình bao giờ không?
Có tiếng thở dài trong bóng đêm:
- Có chứ. Nhiều khi chỉ muốn trầm mình xuống tận đáy biển chẳng bao giờ lên nữa.
Có tiếng kêu thảng thốt:
- Trời ơi! Thế thì rõ ràng là “Đá đau niềm đau của đá rồi.”
Giọng buồn bã cất lên:
- Nhưng cái đau này cũng do loài người tạo ra. Như buổi chiều hôm nay vậy. Đá đang ngồi bên cạnh người yêu nghe tiếng sóng vỗ vào bờ, cái tiếng mà loài người gọi là “lãng mạn” (Lãng là sóng, mạn là bờ) thì bị hai vợ chồng loài người đi dạo ngoài biển nhặt bỏ vào túi, người yêu của Đá bị nhặt lên xong rồi lại ném xuống một chỗ khác, ngay cạnh những cụ già Đá. Chắc cô ấy bây giờ đang khóc hết nước mắt. 

Cô tỉnh hẳn ngủ, trong bóng tối cô xoa tay xuống mặt nệm tìm kiếm những viên đá nhỏ lăn xa, thu vào, đặt chúng tất cả dưới gối. Sáng mai cô sẽ dậy thật sớm trước khi mặt trời mọc, cô sẽ mang trả lại biển những viên đá này. Cô nghĩ đến những viên đá cô đang có trong nhà, những viên đá cô thu thập từ các nước xa xôi mỗi lần đi du lịch. Cô bỗng ân hận quá! Chắc chúng đang nhớ người yêu, đang nhớ vợ, nhớ chồng. Làm sao bây giờ, cô khó mà trở lại được tất cả các nơi mà mình đã đến một lần?
Thôi, cô sẽ mang tất cả ra biển, ít ra ở đó chúng được sống chung với những loài Đá khác.
 (1) Indian Legend
(2) Thơ Đỗ Quý Toàn