Sương phải đi hai chuyến xe buýt và đi bộ băng qua hai ngã tư mới đến được nơi cư ngụ của họa sĩ Hồng Ngự. Muốn đến làm người mẫu cho họa sĩ lúc mười giờ sáng, Sương phải đi chuyến xe buýt đầu tiên ở gần nhà cô lúc bảy giờ bốn mươi lăm. Chờ đợi buýt và đi bộ hai ngã tư, qua một công viên, khi ngồi nghỉ chân xuống cái băng đá nhìn sang bên kia đường là đúng hai tiếng đồng hồ. Cô nhìn lên cái phong linh treo ở tầng lầu ba của dãy chung cư bên đó, cái phong linh được treo lên, đang leng keng trong gió là dấu họa sĩ Hồng Ngự có nhà. Cô băng qua đường, đi vào phía trong chung cư, leo lên ba tầng cầu thang chân, gõ cửa phòng họa sĩ.
Sương gặp Hồng Ngự trong một cuộc triển lãm tranh của ông. Cô chẳng biết gì về hội họa, cũng không có khiếu về thưởng ngoạn, cô chỉ theo cha mẹ nuôi của cô đi xem tranh và họ chỉ cũng vừa đến Mỹ được một tháng theo diện con lai. Cha mẹ nuôi đã xuống tận Long Khánh trả cho mẹ Sương hai lạng vàng để mua cô. Hôm chia tay mẹ đẻ theo cha mẹ nuôi lên Sàigòn. Mẹ con cô đã khóc hết nước mắt. Mẹ nói:
- Mẹ không đi được với con vì không nỡ để bà ngoại lại một mình. Con sang bên đó thì có cơ hội cho con được đi học, có đời sống khá hơn, mẹ không muốn tương lai con chôn trong túp lều chật hẹp, nghèo khó này. Con lại lai Mỹ, đời sống bên đó sẽ chấp nhận con dễ hơn.
Sương chỉ biết khóc và vâng lời. Khi mẹ đưa tay nhận vàng của hai người xa lạ đó Sương biết đời cô đã rẽ sang một ngã khác.
Cha mẹ nuôi Sương không cho cô cái tình phụ mẫu chân thật, nhưng cũng đối xử với Sương công bằng trong cuộc đổi chác. Coi Sương như họ hàng xa, quan tâm đến Sương một cách vừa phải mặc dù họ không có con. Khi đặt chân đến Mỹ, bà đã nói với cô:
- Theo như ở bên Mỹ này khi đã quá tuổi mười tám thì tùy con muốn ở với cha mẹ thì ở, muốn ra riêng ngay cũng được.
Có lẽ cái nhan sắc lồ lộ của một thiếu nữ lai mới ngoài hai mươi làm bà hơi e dè. Cha nuôi của Sương mới bốn mươi tuổi. Hôm họa sĩ Hồng Ngự ngỏ ý muốn thuê Sương làm người mẫu thì bà sốt sắng nhận lời ngay không cần hỏi ý kiến cô. Sương mừng rỡ vì có một công việc nhàn hạ mà lại không cần Anh ngữ mặc dầu số tiền lương trả rất khiêm nhường. Nhà họa sĩ Hồng Ngự không mắc điện thoại. Hôm đầu đưa địa chỉ và hướng dẫn Sương cách lấy xe buýt để đến nhà, ông đã căn dặn Sương với một giọng ngọt ngào nhưng không kém rành mạch:
- Em nhớ là khi nào em đến trước chung cư, nhìn thấy chiếc phong linh của tôi treo ở bao lơn thì em hãy lên. Nếu không thì em đừng có lên, tôi không có ở nhà hoặc không muốn vẽ ngày hôm đó, em sẽ mỏi chân và cửa sẽ không mở.
Ông cười nhẹ nói tiếp:
- Nhưng hiện tại thì cái phong linh đó sẽ treo ngày một, vì ít nhất tôi cũng phải vẽ em trong vòng vài tháng.
Thế là sáng sáng, Sương dậy sớm, tắm gội, ăn điểm tâm qua loa rồi ra trạm xe buýt đến nhà Hồng Ngự. Sương ngồi trên xe buýt lẫn lộn với người da đen, da trắng, người Mễ, người Lào. Cô lắng nghe những tiếng nói khác lạ, không cùng một ngôn ngữ, ngửi cái mùi hôi, mùi nước hoa từ thân thể họ toát ra Sương thấy thật lạ lẫm, nó khác mùi hôi, mùi thơm của những người Việt Nam trên quê nhà. Cả cái sang trọng và cái nghèo nàn nhem nhuốc của những con phố trên hai chuyến xe đi qua cũng mang đầy vẻ dị biệt. Sương cứ hắt hơi hoài và không biết đến bao giờ thì mới hít hà, mới thân thiện được ngần ấy thứ.
Sương nhớ khi mới sang Mỹ được hơn một tuần, gia đình Sương gặp một vài gia đình khác đã sang Mỹ hơn hai chục năm, họ trò chuyện với cha mẹ nuôi cô. “Mình cứ tưởng là mình sẽ hòa đồng được sau một thời gian dài và cái nỗi nhớ quê nó cũng sẽ phai đi. Nhưng càng ở lâu lại càng thấy mình chẳng hội nhập được gì cả, cứ thấy mình mỗi ngày càng bị đẩy lùi ra xa cái phần đất mà mình sống và sẽ chết trên đó. Mới đầu thì thấy cái gì cũng hay, cũng lạ, cũng thơm tho sạch sẽ, đẹp đẽ, mình nghe ngóng, học hỏi, thâu thập, có thêm kiến thức về công việc làm. Bắt đầu nghĩ đến tạo dựng sự nghiệp, học thêm lấy bằng cấp, mua xe, mua nhà. Suy nghĩ giống như người Mỹ, sinh hoạt giống người Mỹ. Nhưng khi mọi thứ đã gần như đâu vào đấy rồi, con cái trưởng thành, có học, có công ăn việc làm rồi, mình không còn tất bật, chạy đôn chạy đáo nữa. Vào một buổi sáng nào đó mình ngồi xuống, tịnh tâm mới thấy mình vẫn hoàn toàn là mình của mười mấy, hai mươi năm về trước, vẫn thấy lạc lõng, cô đơn, thấy cái mình kiếm được trong tay ở xứ người không bao giờ bù đắp nổi cho cái mất mát ở quê nhà.”
Khi Sương nghe những lời nói đó thì cô cứ nghĩ chắc ông ta là một người khó tính, và có lẽ khi còn ở Việt Nam chắc ông phải giầu lắm cho nên mới kêu lên là không bù nổi cái mất mát, còn Sương thì đâu có gì để mà so sánh. Đối với Sương thì sống ở đâu cũng hơn là sống ở Việt Nam. Cái tâm hồn giản dị và đời sống nghèo nàn của Sương làm sao hiểu nổi có những cái mất mát không cách nào chạm tay thu lại được. Nó không phải là cái nhà, cái xe, nữ trang v.v... Nó chỉ là một làn hương, một giấc mộng, một kỷ niệm. Có khi nó là một nỗi đau mà người ta muốn nhớ, muốn giữ suốt đời.
Mỗi ngày đi qua cái công viên này, những lúc ngồi xuống cái băng đá nhìn chung quanh mình cô khám phá ra được nhiều điều mới lạ trên cái thảm cỏ xanh mướt đó. Từ bông hoa bé xíu mới tinh vừa mọc, những cái răng cọp màu vàng nằm ngay bên cái túi ngủ, có một người quấn tròn trong đó chỉ nhô ra một cái đỉnh đầu tóc tai bù xù không biết đàn ông hay đàn bà, cho đến con sóc nâu ngơ ngác nhẩy tung tăng quanh cái hình thù lạ lẫm đó. Sương còn gặp sáng sáng một ông già trông thật là cũ kỹ như một món đồ cổ, hay dắt con chó trắng đi dạo. Ông ta thường dừng lại như muốn làm quen với Sương, nói năng chỉ chỏ lung tung cô chẳng hiểu gì cả. Sương giơ tay chỉ lại ông cái phong linh bên kia đường cố cắt nghĩa bằng tiếng Việt về việc làm của mình. Cô cũng đoán là ông chẳng hiểu gì cả. Những lúc đó Sương ao ước phải chi ông ta là một người đồng hương để cô có dịp kể cho ông nghe về bà ngoại, về mẹ mình ở quê nhà, khoe với ông cô là người mẫu cho một họa sĩ nổi tiếng. Và Sương bắt đầu cảm nhận được cái lạc lõng của một người sống trên một mảnh đất không phải là quê hương mình.
Hơn một tháng nay, Sương đã làm mẫu cho họa sĩ vẽ đủ kiểu: đứng, ngồi, nằm mà bức tranh nào cũng dở dang. Hồng Ngự lúc nào cũng ngọt ngào với cô. Ông sửa đổi thế đứng, thế ngồi, kéo tóc mai, vuốt lại áo cho cô, nhất cử nhất động đều dịu dàng, âu yếm. Ông bắt cô thay áo ngắn, áo dài luôn. Ông có cả tủ quần áo phụ nữ đem ra cho Sương ướm thử. Tuần trước, ông đưa cho Sương một cái áo không có cổ, khi cô mặc vào thì cái áo trễ xuống nửa lưng cô và phía trước thì thấy cả một phần ngực, Sương ngượng muốn đổi cái áo khác thì ông bảo:
- Em cứ để thế cho tự nhiên.
Khi vẽ thì ông hỏi han gia cảnh, Sương thấy ông còn già hơn cha mẹ nuôi của cô thì cô cũng thực tình kể cho ông nghe là cha mẹ nuôi đã mua cô bằng hai lạng vàng. Ông tỏ ra rất quan tâm. Sang tuần lễ thứ sáu những bức tranh vẫn chưa xong bức nào. Chỉ toàn là những bức phác họa, chưa đi vào chi tiết. Hồng Ngự hỏi cô:
- Em có muốn ở lại đây luôn với tôi để khỏi mỗi buổi sáng dậy sớm?
Sương không trả lời và ông cũng không hỏi tiếp. Mỗi sáng cô vẫn dậy sớm ra đi. Qua công viên, cô vẫn ngồi xuống cái băng đá nhìn lên cái bao lơn bên kia đường có treo cái phong linh và leo lên ba từng lầu cầu thang. Ông họa sĩ có đưa cô hai trăm đồng, bảo là tạm trước, Sương đem về cho mẹ nuôi một trăm đồng, còn để tiền đi xe buýt. Cô đoán còn lâu ông họa sĩ mới vẽ xong.
Một hôm ông họa sĩ mời cô đi ăn cơm chiều. Ông phải đưa cô ra chỗ điện thoại công cộng gọi về nhà. Mẹ nuôi cô bảo:
- Không sao. Con muốn ở đến mai cũng được.
Tối đó ông họa sĩ giữ cô lại. Ông nói ông yêu cô và cô đã nằm yên để ông thực hành lời nói đó. Cô hỏi ông:
- Ông có định lấy em làm vợ không?
- Lấy chứ, nhưng không thể ngay bây giờ được.
Từ đó, thỉnh thoảng Sương vẫn được ông họa sĩ giữ lại qua đêm. Ban ngày, cô vẫn ngồi cho họa sĩ vẽ. Ban tối, sau khi yêu nhau, Sương vẫn hỏi:
- Ông có định lấy em làm vợ không?
- Lấy chứ.
Sương đi đi về về chung cư đã được bốn tháng. Những bức tranh vẫn chưa hoàn tất. Bức thì có cái mặt chưa có mắt, chưa có miệng. Bức thì chưa có tay, có chân. Cô vẫn đứng, vẫn ngồi theo ý ông họa sĩ uốn nắn. Chiếc phong linh vẫn treo ở bao lơn, lanh canh trong gió và họa sĩ thì quên không trả tiền cho người mẫu nữa. Sương cũng không dám hỏi. Cô hy vọng một ngày nào đó ông họa sĩ sẽ lấy cô làm vợ để cô khỏi bận tâm về việc tại sao ông không trả tiền lương. Sương muốn viết thư về Việt Nam hỏi mẹ xem cô phải đối xử trạng huống của cô như thế nào bây giờ? Nhưng lại sợ mẹ buồn. Hôm ra đi, mẹ cô chỉ dặn sang Mỹ để đi học, mẹ không nói gì về trường hợp làm người mẫu cho họa sĩ, mẹ cũng không nói nếu lấy chồng thì phải làm điều gì trước, điều gì sau. Khi ở Việt Nam, Sương chỉ được học đến lớp ba, rồi ở nhà cơm nước, trông nom bà ngoại cho mẹ đi kiếm ăn. Cô cũng ít được ra ngoài chơi với bạn bè cùng tuổi vì bị mặc cảm con lai Mỹ không có cha. Sương chỉ có mẹ là người duy nhất cho cô trò chuyện và chỉ bảo cho cô những điều thắc mắc mà bây giờ thì mẹ ở quá xa.
Một buổi sáng, sau khi băng qua công viên, cô ngồi xuống băng đá nghỉ chân, nhìn lên bao lơn bên kia đường không thấy cái phong linh lanh canh trong gió, cô nhớ lại lời dặn lúc đầu của họa sĩ, cô quay về. Liên tiếp cả tuần lễ, ngày nào Sương cũng đến, cũng nhìn lên bao lơn, rồi quay về.
Hôm nay cũng vậy, cái bao lơn trống vẫn không thấy chiếc phong linh được treo ra, cô không muốn quay về nữa. Sương muốn lên gõ cửa phòng Hồng Ngự xem có thật ông vắng nhà không? Hay là ông đau ốm? Cô tự hỏi: Nếu ốm thì ông cần được cô săn sóc chứ sao lại đem phong linh cất vào. Cô nhất định leo lên ba từng cầu thang. Cửa phòng họa sĩ đóng chặt. Cô đập tay lên cửa gọi nhiều lần:
- Ông họa sĩ mở cửa cho em.
Tiếng Sương vang lên suốt dãy hành lang. Có một vài người hé cửa ra nhìn cô, rồi khép cửa lại. Cánh cửa cô gõ vẫn im lìm. Sương chợt rùng mình, không biết hơi lạnh từ đâu đưa tới, câu cô vẫn thường hỏi ông họa sĩ mỗi lần ông yêu cô xong bỗng vang lên trong đầu cô: “Ông có định lấy em làm vợ không?” “Lấy chứ”. Hai cái đầu gối cô run rẩy, nước mắt cô ứa ra, cô úp mặt vào cánh cửa nức nở:
- Hồng Ngự! Hồng Ngự!
Bà Mỹ già, quản lý chung cư nghe tiếng động, đi lên với một chùm chìa khóa trong tay, có lẽ đã quen nhiều lần với cảnh này, vỗ vỗ lên vai cô, không nói một lời nào, tìm chiếc chìa khóa của gian buồng.
Cửa mở, một luồng gió từ bao lơn đã mở từ lúc nào phà vào mặt hai người. Căn phòng trống trơn, chỉ có những bức tranh vẽ cô dựng ngổn ngang ở bốn bức tường. Bức chưa có mặt, bức chưa có tay, chưa có chân, bức trên mặt chưa có mắt, chưa có miệng. Những bức tranh đứng nhìn nhau câm lặng. Chiếc phong linh vứt giữa buồng mang dáng những con chim bằng sứ màu trắng xâu vào một sợi dây đang nằm dãy chết, những con chim không có mắt, không có chân, không có mỏ. Bà quản lý chung cư quay ra, vừa đi xuống cầu thang vừa lẩm bẩm:
- Lại thêm một con chim nhỏ xâu vào cái phong linh.
Sương cúi xuống nhặt xâu chim, chạy vụt ra khỏi căn phòng đầy gió, cô lao xuống lầu, băng qua đường, chân cô run rẫy, bụng cô quặn thắt. Cô chạy bổ, gục đầu vào thành chiếc băng đá, hai tai cô ù đặc, cô nôn thốc, nôn tháo. Bức tranh trong bụng cô, họa sĩ vẫn chưa hoàn tất. Nó chưa có mắt, chưa có miệng, chưa có tay, chưa có chân. Nó mới là một bệt màu đặc quánh. Sương cầm chiếc phong linh vứt mạnh ra mặt lộ. Những con chim bằng sứ bị cán nát dưới bánh xe. Sương đứng thẳng dậy, đặt tay lên bụng nói rõ từng tiếng:
- Mẹ sẽ hoàn tất bức tranh này, một mình.
12/1996