Tháng Năm lại về, những người con tấp nập mua hoa, gửi thiệp cho người mẹ thân yêu của mình. Người ta cũng nghe thấy nhiều tiêng xôn xao gọi mẹ, từ bốn phương tám hướng. Gọi mẹ bằng ngôn ngữ riêng của “Tiếng Nước Mình” Yêu mẹ bao nhiêu thì yêu tiếng mẹ đẻ bấy nhiêu. Người mẹ nào cũng thích được con nổi tiếng “Con nhớ mẹ, con yêu mẹ” bằng chính ngôn ngữ của bà, cái ngôn ngữ làm bà rung động nhất. Ngôn ngữ đầu tiên bà dùng để cảm thông với con. Tôi nhớ khi tôi có đứa con đầu lòng, tôi ôm con cho bú trong cái ghế xích đu, vừa cho con bú vừa nhịp ghế, ru nhè nhẹ:
Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Một phần cám cảnh tha phương vì di tản, một phần vì tôi yêu thích Chinh Phụ Ngâm nhất, nên hầu như thuộc lòng cả tác phẩm này. Mỗi lần ru con đem ra một đoạn:
Xin vì chàng thay bào cởi giáp
Xin vì chàng rũ áo nhung yên
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn soi gương mỗi ngày
Có khi đổi sang ru con bằng Kiều:
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Thấy éo le quá, sợ vận vào thân cả mẹ lẫn con, tôi thay bằng những câu hát mang âm hưởng ca dao:
Sao tua hai cánh nằm chồng
Thương em từ thủa mẹ bồng trên tay
Sao tua bốn cánh nằm dài
Thương em từ thuở nghĩa ngoài tình trong
Sao tua năm cánh nằm ngang
Thương em từ thuở mẹ mang đầy lòng
Bao nhiêu bài tiếng Việt đem theo trên đường di tản mang ra kể lể hết cho đứa con đỏ hỏn nghe. Nói với con mà như nói với chính mình. Tôi yêu tiếng Việt như yêu mẹ tôi. Mẹ tôi mất cả gần hai mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ xót xa, tôi thấy mẹ tôi cần thiết như dấu phẩy, dấu chấm trong một bài tản văn. Bây giờ mẹ mất, nên câu văn đôi khi không mạch lạc.
Tôi sống ở bên ngoài nước Việt đã mấy chục năm dài, tôi vẫn đọc, viết, ăn, ngủ với tiếng Việt mỗi ngày. Thức ăn bầy trên bàn chỉ có gọi tên bằng tiếng Việt mới thấy rõ ràng, thí dụ như món “cá kho” dịch sang tiếng nước nào cũng khó quá, cũng không nói lên được cách nấu nướng như thế nào? Thành ra mình ăn cái tiếng Việt trước khi mình ăn miếng cá. Khi ngủ, trong những giấc mơ nhiều người chắc vẫn mơ toàn giấc mơ ở quê nhà. Và trong mơ, ta thế nào ta cũng nói tiếng mẹ đẻ. Như cuốn phim cũ cứ quay chầm chậm lại bằng âm bản.
Tiếng nước mình chính là mẹ mình, làm sao quên mẹ được. Có bỏ mẹ đi xa ngàn dặm, vẫn thấy mẹ quanh quẩn bên mình.
Nhưng người cầm bút ở hải ngoại cứ lo lắng mãi về chuyện “hội nhập” với trong nước. Một trong những mối lo, (có thể) là nếu không hội nhập thì chỉ đến thế hệ thứ ba, ở hải ngoại sẽ hết người viết, đọc, và nói tiếng Việt. Điều này chưa chắc đúng hoàn toàn.
Nếu chúng ta có được tình yêu của mẹ và con thì không bao giờ chúng ta mất tiếng mẹ đẻ. Vì tình mẹ con không bao giờ mất được. Nó không hề bị phụ rẫy, hay phản bội giống như tình trai gái yêu nhau, có thể xẩy ra. Chẳng có nhan sắc, vật chất nào cám dỗ thay vào tình mẹ con được.
Rabgyai Basang một nhà thơ thuộc trường phái mới của Tây Tạng, sinh năm 1935. Thơ của ông nói nhiều đến lòng yêu quê hương và quốc gia mình. Ông từng là một quân nhân trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa, một thông dịch viên, một nhà giáo. Ngay từ nhỏ, ông đã có khuynh hướng tìm kiếm hướng mới cho thơ Tây Tạng. Năm 1958, ông bắt đầu xuất bản thơ mình. Một trong những bài thơ tượng trưng cho thơ mới của ông có nhan đề “Mẹ”. Với ông, mẹ và quê hương là một.
Khi tôi còn là đứa trẻ măng sữa
tôi chẳng hề nghĩ đến những con búp bê bằng đất,
hay chơi đi trốn đi tìm,
chẳng nghĩ đến trời cao hay đất thấp
nhưng tôi đã có ấn tượng mơ hồ
“Không có gì trên thế giới này
lại ngọt ngào bằng vòng ôm quê mẹ.”
Từ vùng hẻo lánh xa xôi
tôi vượt cả sông Dương Tử tôi băng ngang sông Hồng Hà
dẫu tôi chưa đến được dãy núi Changbai
tôi đã thì thầm với trái tim mình
“Không có gì trên thế giới này
lại ngọt ngào bằng vòng ôm quê mẹ.”
(Tibetan Culture & poems)
Chính tình yêu mẹ đã duy trì tiếng mẹ đẻ trong lòng thi sĩ. Thi sĩ có tha phương ở chân trời góc biển nào, khi nhớ về mẹ là nhớ về tiếng mẹ đẻ của mình. Không ai nhớ mẹ bằng một ngoại ngữ.
Người Inuit sinh sống nhiều ở vùng Alaska, Mỹ. Những bà mẹ cũng ru con và truyền tiếng mẹ đẻ cho con bằng những lời ru:
Ngôi nhà tĩnh mịch quá,
ngôi nhà thật êm ả
bão tuyết kêu bên ngoài
những con chó giấu mũi
dưới những cái đuôi dài.
Con trai nhỏ của tôi
đang nằm trên bậu cửa
ngửa mặt lên trần nhà
ngủ vùi trong hơi thở
miệng con hơi hé mở
bụng con phập phồng cong
Ôi thật là lạ lùng
nếu bây giờ tôi khóc
với niềm vui ngập lòng!
(Thơ của người Inuit)
Đứa bé lớn lên, đi xa lắm, sống trong một thế giới khác hẳn, nói một ngôn ngữ xa lạ. Nhưng khi nhớ về mẹ, con người đã trưởng thành này, không dịch tình mẹ sang một ngôn ngữ khác đươc. Anh ta phải nhớ lại hoàn toàn bài ru bằng tiếng của người Inuit. Hình ảnh của chính mình nằm ở bậu cửa trong một ngôi nhà nhỏ chôn trong tuyết mà mẹ đã nhắc trong lời ru, những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ không dịch sang tiếng nào được ngoài tiếng Inuit.
Còn tình yêu của mẹ là còn tiếng mẹ đẻ. Còn quê hương.
Có một bộ tộc không thuộc một nước nào. Họ không có hải phận, không phận, lãnh thổ, không có quốc kỳ. Họ sống du canh du cư giữa Lào, Cam Bốt và Thái Lan. Họ gọi họ là người “Yeow” (phát âm Ynoo). Họ chạy giặc, giống như người Việt chạy Cáp Duồn và di tản sang Mỹ, cũng được nước Mỹ nhận như nhận người Việt Nam di tản. Họ không có chữ viết (written language), không có sách, không có trường học, tiếng nói của họ truyền khẩu cho nhau. Thỉnh thoảng nghe thấy trong một câu nói dài, có pha một tiếng Lào, hoặc Cam Bốt và Thái Lan. Nhìn họ thì khó phân biệt đươc là Cam Bốt hay Lào. Khi hỏi thì họ lắc đầu không nhận. Họ nói, chúng tôi là người Yeow.
Họ nhận ra nhau bằng tên họ, tên này chỉ viết xuống theo phát âm khi sang định cư ở một nước khác, bắt buộc phải có căn cước, và khi hỏi nơi sinh thì họ nhận đại là sinh ở Cam Bốt, Thái hoặc Lào. Vậy mà bao nhiêu năm họ không hề mất tiếng nói. Nhìn đứa trẻ lên mười, vừa đi học về, quăng cái cặp sách vào góc tủ, ngồi phệt xuống sàn bếp với bà cụ già 90 tuổi người Yeow, trong một căn nhà ở Mỹ. Hai bà cháu vừa bốc xôi nếp ăn vừa có thể nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ “Yeow”, thật đáng yêu làm sao!
Seangkha Keoimpha nhận anh là người Yeow. Anh nhớ được ngôn ngữ là nhờ những bài ca của mẹ hát cho anh nghe từ nhỏ. Bài hát ru con, anh viết xuống bằng mẫu tự tiếng Anh theo cách phát âm. Bài hát kể chuyện một con chim cú trắng, ngã lộn tùng phèo từ cây xuống đất:
Ok ehh yo
Ehh no nok keow
Hean nok keow
Gohk mai tup thoum
(Bài Hát của Bà Mẹ/Vô Danh)
Anh yêu mẹ và gia đình lắm. Anh làm việc ở Seattle, nhưng vào những ngày lễ, tết anh luôn luôn tìm về với gia đình ở Long Beach (California) nơi có đơng người Cam Bốt, Lào và một số ít người Yeow sinh sống. Anh khoe: “Về đó tha hồ nói tiếng Yeow”. Một ngôn ngữ hầu như không ai biết đến ngoài họ. Họ không hề có một cuốn sách, tìm ngay cả trong Wikipedia cũng không có.
Tình yêu của người mẹ chính là căn bản để duy trì ngôn ngữ của một sắc dân.
Người Yeow chưa hề viết một cuốn sách nào, vì họ không có chữ viết. Thế mà tiếng nói của họ không hề mất. Không hề bị coi là tử ngữ.
Còn mẹ là còn ngôn ngữ. Đứa bé ngay từ khi nằm trong bụng mẹ, đã mỗi ngày nghe được tiếng nói của người đang cưu mang nó. Khi sinh ra, tiếng được nghe đầu tiên cũng vẫn là tiếng nói của người mẹ. Bà nói tiếng nước nào, con bà hấp thụ ngay tiếng nước đó cho tới khi được gửi đến trường.
Có người đàn bà nào, vừa sinh con ra trong một phần đất khác với quê mình mà vội vàng đi học ngôn ngữ của nước đó để nói với con đâu? Bà dùng ngay ngôn ngữ của bà để nói với con. Trí óc đứa trẻ lớn lên, thẩm thấu từng ngày bằng “tiếng mẹ đẻ”
Người con đi xa, nói thông thạo ngoại ngữ, sống ở một mảnh đất người mẹ không thể hình dung ra được. Khi nhớ mẹ, gọi về, chắc chắn sẽ gọi mẹ bằng cái ngôn ngữ đầu đời thơ dại của mình.
Mẹ và ngôn ngữ là một. Chúng ta không bao giờ mất “Tiếng mẹ đẻ” được, vì chúng ta yêu mẹ.
5/2008