Gửi những người lính ở Iraq
Jessica đi ra phía hồ cá ở vườn sau nhà. Cô cầm theo hộp đựng thức ăn cho cá. Một đàn cá chép Nhật trong chiếc hồ của cha cô, chúng đang đợi cái bóng cô nghiêng xuống. Cô đã nghe thấy tiếng quẫy mình của chúng, và cô đoán chúng cũng đang nghe thấy tiếng bước chân cô. Cô giơ bàn tay ra nắng, nắng rất ấm, lung linh trên tay, trên vai và thả những khoang nắng trên mặt cô. Cô ngồi xuống bên thành hồ, thong thả ném từng nắm thức ăn cho cá.
Có một bàn tay cũng ấm lắm đang đặt lên trên bàn tay cô.
- Cho anh ném với.
- A, Cory, anh về bao giờ vậy? Jessica kêu lên thảng thốt.
- Anh được về phép ba tuần, anh mới về đêm hôm qua.
- Anh đi khẽ quá, khẽ hơn cả tiếng cá đớp mồi.
Cory nắm chặt tay cô hơn, anh lấy nắm thức ăn vứt xuống cho cá rồi ôm đầu cô gần sát vào ngực mình.
- Anh muốn cho em ngạc nhiên nên anh không báo trước ngày về.
Cory chỉ cần nhấc cái then cổng vườn sau nhà anh là anh ngồi ngay được ở bờ hồ cá nhà Jessica. Họ là hai đứa trẻ hàng xóm, lớn lên cùng với nhau. Tuy đi học khác trường nhưng họ thân nhau hơn là bạn cùng lớp. Rồi bỗng một ngày họ yêu nhau, rồi bỗng một ngày Cory đi vào chiến tranh.
Mẹ cô khuyên “Con tập chấp nhận, hãy cầu nguyện cho anh ấy trở về bình an.” Jessica chấp nhận, cô bình thản tiễn anh và bình thản nhận những lá thư anh gửi về. Cô vẫn đến trường, vẫn theo dõi tin tức ngoài mặt trận. Trái tim cô bắt đầu cũng nổ tung ra cùng với những chiếc xe gài bom nổ, cùng với những thân xác ôm bom nổ, nhưng rồi nó cũng phải chấp nhận, tập bình thản và tập trông cậy vào phép lạ của những lời cầu nguyện.
Ba tuần ở nhà, Cory và Jessica quanh quẩn bên hồ cá sau vườn nhà nàng, hay trong bếp nhà Cory, họ chơi game, (những cái game mà chỉ có Cory mới hiểu và chơi được với nàng,) họ nấu ăn, rồi dắt nhau ra vườn, làm tình với nhau trên bãi cỏ, cạnh hồ, cùng với tiếng quẫy nước của những con cá. Cha mẹ họ mặc cho họ tự do hạnh phúc giữa hai ngôi vườn. Jessica đã qua tuổi thiếu nữ rồi, và Cory thì đang đi lính. Hãy để cho họ hưởng những hạnh phúc vốn sẵn mong manh giữa hai người.
Cory đã trở lại mặt trận. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, Jessica mở ngăn kéo lấy ra một chiếc hộp gỗ. Cô đếm những viên nhựa tròn trong chiếc hộp. Chúng lớn nhỏ hơi khác nhau một chút. Cô đếm bao nhiêu lần mà vẫn không nhớ được bao nhiêu cặp cùng một cỡ. Cô vừa khóc vừa nhớ lại lời mẹ dặn:
“Ba tháng đầu thì mỗi tuần thay một cặp, từ ba tháng đến một năm thì ba tuần thay một cặp. Từ một năm đến ba năm thì một tháng thay một cặp. Từ ba năm đến mười năm thì sáu tháng thay một cặp. Sau đó cứ mỗi năm thay một cặp cho đến năm thứ hai mươi, cơ thể hết phát triển, không phải thay nữa.”
Cứ thế, ban ngày, ở trường về, cô ra hồ cho cá ăn, cô đặt tay trên thảm cỏ, chỗ hai người đã yêu nhau. Buổi tối, cô đếm những viên nhựa, cô cất lại vào hộp, cô quỳ gối trước bàn thờ và đọc kinh cầu nguyện cho Cory trở về bình an.
Người ta báo tin Cory trở về, không bình an. Cory về, không vào bếp nấu ăn với Jessica, không ra hồ cho cá ăn, và không ôm cô lăn trên thảm cỏ nữa.
Anh về trong một chiếc áo quan.
Jessica điên cuồng đi tìm cái hộp gỗ. Cô gọi:
- Mẹ ơi! Mẹ ơi, phụ con!
Mẹ cô trút tất cả những viên nhựa vào một cái túi. Bà đưa cô đến nhà quàn.
Chiếc áo quan mở một nửa để thân nhân đến viếng, một nửa có phủ quốc kỳ. Người đàn bà đưa cô con gái đến bên cạnh chiếc áo quan.
- Cory, đây là những đôi mắt của em, những đôi mắt lớn lên với em từ thời thơ dại. Anh còn nhớ những đôi mắt này không? Chúng đã nhìn anh khôn lớn, đã nhìn tình yêu của chúng ta trưởng thành. Khi em lớn lên và yêu anh, em khám phá ra, chính những viên nhựa vô hồn này là mắt thật trong sáng của em. Em bỏ chúng vào đây để mắt em lúc nào cũng được nhìn anh bên kia đời sống.
Jessica bỏ chiếc túi vải có những đôi mắt vào trong áo quan, cô cúi xuống hôn lên môi người lính, bình thản ra về.
Cô gái mù hoàn toàn, trong hai hốc mắt có gắn hai con ngươi giả bằng nhựa trong veo.