Friday, May 9, 2014

TRIỆU TRIỆU GIỌT NƯỚC

Buổi sáng trong như ly nước lọc
Lòng thấy hiền như một miếng khoai. (tmt)

Sáng sớm ngửa cổ uống ly nước lã trong suốt vào ngực, như rót cả một bình minh hiền hòa trong lành chưa có một hạt bụi vào cái bình thân thể. Tại sao lại gọi là “nước lã” nhỉ? Có phải tại nó không mùi, không vị, chưa ai cho chút muối, chút đường hay bất cứ một cái gì lạ vào trong nước. Mỗi ngày ta sống, ta thở đều lệ thuộc vào nước. Mất nước trong người là nguy hiểm đến mạng sống, tuyến nước mắt cạn gây ảnh hưởng hư hao cho cả thân lẫn tâm. Thử tưởng tượng buồn muốn khóc, mà không có nước mắt; đứng trước một cảnh tử biệt sinh ly, hay đọc một cuốn tiểu thuyết, xem một phim xúc động, trái tim bóp lại, nhưng hai mắt khô ran, thì khó chịu biết bao! Khi khổ quá người ta hay than: “Khóc hết nước mắt rồi.” Nhưng sự thật nước mắt làm sao hết được, trừ khi cơ thể bị bệnh, phải dùng nước mắt giả.
Chung quanh ta là nước, ngay cả ta đang đi đứng trên mặt đất khô ráo. Nước ở trong độ ẩm của không khí, trong gió, trong những giọt mưa rơi xuống thình lình, ngã rẽ trước mặt có thể sẽ là một con sông, một cái hồ, hay là đường ra biển, hoặc một con thác cách đấy không xa.

Nước trong suối, suối trong rừng, rừng trong cây, nước trong từng thân cây, từng cuống lá. Những giọt nước mưa trên lá vẽ ra những dòng nhạc chẩy. Kể làm sao cho hết trên một trang giấy tên những bài thơ, bản nhạc gợi hứng từ chữ “nước” đơn sơ này.
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn
(Đinh Hùng)
hay:
Ta yêu người như yêu ly nước lạnh (tmt)
“Con nước về”. Ngư phủ chạy theo con nước như chạy theo chính đời sống của nình, nước cung cấp nguồn sống, rồi cũng chính nước lấy đi nguồn sống. “Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé. Không, anh phải sống” (Khái Hưng) để em chìm xuống nước.
Một giọt nước thì rất hiền lành, triệu triệu giọt nước sẽ thành lụt, thành những cơn thủy triều dâng, thành tsunami (sóng thần), cuốn đi trăm, ngàn đời sống. Người dân miền Trung của nước Việt hiểu thấu đáo cái nghiệt ngã của nước mang lũ lụt về hơn ai hết. Lũ đơn, lũ kép, lũ ngâm, là những tiếng quen thuộc ta than về nước.
Nhưng:
Làm sao những giọt nước hiểu được mình sẽ thành sông? (Antoine de Saint-Exupery)
Nước không hình, không sắc, ở thể lỏng, nhẹ hẫng, vốc lên được bằng tay, nhưng đẩy được thuyền đi và cũng làm đắm được thuyền. Người ta cũng có thể chết đuối trong một vũng nước, hay trong cái bồn tắm nhỏ nếu không được cứu đúng lúc.
Người không được ở cận kề với nước, thích đem nước đến gần mình. Xây hồ bơi trong vườn, hồ thả cá trước hay sau nhà, thậm chí còn làm những cái thác nhân tạo nhỏ để nghe tiếng nước chẩy róc rách ngay trong phòng đọc sách, phòng khách hay phòng ngủ.
Trong đời thường, hai người đang tha thiết với nhau, rồi bỗng lạnh nhạt với nhau thì nghe trách là “tình của ai bây giờ nhạt như nước lã.” Để rồi ,“nước lã ra sông”

Nhưng giao tế với nhau thân mật, chừng mực để giữ được lâu bền kiểu con cháu cụ Khổng ngày trước, được hiểu là: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy.” Chữ đạm nhược thủy này tức nước lã đấy.
Chữ nước tràn ra, ngập trong các thành ngữ, ca dao tiếng Việt. Giận, tức quá gọi là tức sôi lên được, cũng hiểu ngầm là nước đang sôi. Tức mà không nói ra lời được sẽ than “Hết nước rồi, không còn gì để nói” chắc rồi sẽ đi tới “Tức nước vỡ bờ.” Khi người mẹ rơi vào trạng thái “Nước vỡ nguồn trong mẹ” thì mới đem con vào đời được, nước chưa vỡ, phải làm cho vỡ (vỡ nước đầu ối.)
Hy vọng của con người cũng đem vào trong nước “Còn nước, còn tát.” Anh em thương nhau thì nước chẳng có giá trị gì nữa. “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã.” Trai gái yêu nhau, nụ hôn đôi khi được so sánh với ngụm nước muối. “Hôn giống như uống nước muối vậy, anh càng uống anh càng khát (Ngạn ngữ Trung Hoa). Đối với một thi sĩ Trung Hoa, nước thật là thơ mộng:
Cúc thủy nguyệt tại thủ
Lộng hoa hương mãn y
(Vũ Lương Sư)

(Khi nước được vốc đầy đôi bàn tay, ánh trăng sẽ lấp lánh trong đó, khi nâng niu những đóa hoa, mùi hương của chúng đã vương vào xiêm áo)
Nước cam lồ, nước cành dương của nhà Phật, hay nước lã biến thành rượu ở tiệc cưới Cana, của Thiên Chúa Giáo là những thứ nước không nhìn thấy bằng mắt, nhưng được nhìn thấy bằng đức tin của nhiều người.
Triệu triệu giọt nước tạo nên hồ, nên sông, nên biển. Ở dưới đáy của những giọt nước đó cất giấu bao nhiêu bí ẩn, bao nhiêu kỳ quan, trên mặt nước đó bao nhiêu thăng trầm, dâu bể của loài người diễn ra hằng ngày. Từ hiền hòa như ngày rằm tháng bẩy thì bơi thuyền ra thả đèn hoa sen cầu cho các vong hồn, thả cá xuống sông gọi là “phóng đăng” thả tro than người qua đời (như ở sông Hằng) để thủy táng. Đến những trận chiến hãi hùng bom đạn, cướp sông, cướp biển chém giết nhau trên mặt nước chỉ có Trời ở trên nhìn xuống nước mới biết rõ nguồn cơn.
Nhưng Nước còn mang một ý nghĩa cao trọng khác nữa.
Chữ Hán đầu tiên ngày xưa được thầy dậy: “gia” là nhà, “quốc” là nước
Chữ Nước đó thiêng liêng biết là bao! Khi nói: “Nước tôi”, người nói đã đem cả địa lý, lịch sử, văn hóa, trách nhiệm, niềm hãnh diện của dân tộc mình trong một câu ngắn đó với người khác nước. Tiếng “Nước mình” của hai người bạn nói với nhau, chất chứa bao nỗi ngậm ngùi của những kẻ xa quê. Thủa nhỏ đi học lần đầu tiên tập vẽ bản đồ nước mình, chắc học trò của bất cứ một nước nào cũng thấy sao quan trọng thế. Tô đi tô lại, đem về nhà khoe mẹ, khoe cha. Thế nào cũng được cha mẹ chỉ cho biết quê nội, quê ngoại ở phần nào trên bản đồ nước mình. Cậu bé hay cô bé học trò đó bây giờ dù lưu vong ở bất cứ nước nào và đã trở thành ông nội, bà ngoại, thì tấm bản đồ “nước mình” vẫn in rõ nét trong tâm khảm.
Câu nói “Bây giờ đất nước thanh bình rồi” được hiểu là quê hương không còn loạn lạc, binh đao nữa. Đất đã hiền, Nước đã lành nhưng còn lòng người đã thật sự yên? Có ai đó đã thốt lên: “Sao người dân nước mình khổ lâu thế!”
Thử đọc một câu thơ như sau:
Đất nước mình cởi áo cho nhau
(Phan Đức Chính)

Bây giờ chữ nước không còn là một dung dịch lỏng nữa, nước được hiểu là quê hương xứ sở, tình của nước là tình người, mới cởi áo cho nhau được. Chỉ có người Việt mình mới nao lòng khi nghe câu thơ như thế, làm sao mà dịch được hết nghĩa của chữ nước cởi áo này sang một ngôn ngữ khác.
Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu.
(Phan Đức Chính)


Câu thơ đọc lên mà khóc được. Giọt đàn là giọt nước hay giọt lệ? Làm sao mà nghe tiếng đàn bầu rơi thành giọt nước, rồi thành “nước tôi” Chắc chỉ có cái tai của người Việt mới nghe ra như vậy!
Rồi “nước non ngàn dặm ra đi” chỉ có Huyền Trân mới thấu hết cái khổ của chữ nước này. Chỉ có Khắc Trung mới đau với chữ nước non này.
Biển Thái Bình Dương đã cuốn đi bao nhiêu đời sống của người Việt sau năm 1975, nước đã mang trôi đi theo nước bao nhiêu phụ tử, mẫu tử thâm tình, nuớc làm cho phu thê oan khốc, nước dập nát bao tuổi thanh xuân. Nước mắt khóc cho những tai nạn oan khiên xẩy ra trên mặt nước đó không chỉ chẩy xuống biển, mà chẩy giọt gianh, rỉ rả suốt đời còn lại của gia đình nạn nhân.
Những giọt nước ở trong hai vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ đang khóc nhớ ai?
Những giọt nước mắt nào còn thấm trên mặt đất vùng con thác Bản Giốc thân yêu đó.
Tất cả những người chết ngoài mặt trận ở bất cứ phần đất nào trên thế giới cũng đều được tưởng nhớ, ghi ơn là hy sinh cho Nước, ngay cả khi chết cho một “Nước Khác” không phải là đất nước mình. Không ai có quyền nói người lính chết cho phần đất nước này, cao cả hơn là chết cho phần đất nước kia.
Triệu triệu giọt nước trên trời rơi xuống, dưới đất đưa lên, thành suối, thành sông, thành biển, tạo khỏang cách, ranh giới, lãnh thổ, ngăn chia người với người. Nhưng hai tiếng “Nước tôi” thì không bao giờ hao mòn, khuyết đi dù một mảnh rất nhỏ trong tâm những người xa nước.
2006