Truyện Ngắn tmt
Friday, May 9, 2014
LÁ THƯ
Trong chồng thư tôi đem vào nhà hôm nay, có một lá thư đến từ Việt Nam, tên người nhận và người gửi đều lạ hoắc. Chỉ có họ Trần là giống họ của tôi. Địa chỉ trên phong bì, số nhà viết là 207, nhân viên bưu điện gạch chéo một cái, rồi sửa là 237 cho đúng với số nhà tôi.
Tôi xoay ngang, xoay dọc lá thư một lúc, định viết mấy chữ “Not belong to this address” rồi bỏ vào thùng thư trả lại cho bưu điện, nhưng lại ngập ngừng vì thấy những con tem Việt Nam dán trên phong bì, tên phụ nữ Trần thị Nga, địa chỉ người gửi tận một làng xã hẻo lánh nào thuộc miền Trung, không có số nhà, chỉ có xã và ấp, rồi đến chữ cuối là Việt Nam. Người nhận là Trần văn Tâm. Bây giờ lá thư này bị gửi lại Viêt Nam thì cũng mất ít nhất là cả tháng, chưa nói là có thể thất lạc trên đường về nhà cũ.
Khu xóm tôi ở, ngoài tôi ra, chắc toàn người Mỹ, tôi không thấy người Á đông nào trong những lần tản bộ. Nhưng lá thư này chỉ có số nhà sai còn tên đường, tên thành phố, tên tiểu bang đều đúng cả. Tôi bỗng dưng thương cho người gửi quá! Tôi cầm lá thư, tự nhủ ngày mai sẽ làm việc của người đưa thư.
Cả buổi tối, thay vì đọc sách như thường lệ, tôi để lá thư ở bàn ngủ đầu giường, rồi cứ nhìn ngắm nó, như nhìn ngắm một người Việt Nam, một người không phải là bạn, nhưng đúng là một người cùng quê. Cái phong bì vàng không ra vàng, trắng không ra trắng, giấy mỏng tanh, mềm xèo, âm ẩm, chẳng khác gì cái áo cánh của mấy người đàn bà gồng gánh lam lũ ở miền quê. Thỉnh thoảng tôi lại cầm phong thư lên, nhìn từng chữ trên phong bì, rồi hình dung ra người viết chắc là một phụ nữ và ít học, vì tên người nhận và người gửi có nhiều chữ sai, như chữ ấp mà viết thành ất, phố viết thành phớ. Địa chỉ bên Mỹ thì không biết xuống hàng ở chỗ nào, số zip code viết trước tên tiểu bang, nét chữ mềm mại nhưng nguệch ngọac và rời xa nhau, chữ nào cũng to gần bằng hạt đậu phọng. Tôi bỗng tò mò không biết có phải thư của một cô gái quê nào đang chờ chồng Việt kiều bảo lãnh, hay thư của em gái viết cho anh, của mẹ viết cho con xin trợ cấp tiền bạc hay không?
Trưa hôm sau, tôi theo địa chỉ trên phong bì đi tìm nhà. Tên đường, tên thành phố thì đúng rồi, nhưng cả dẫy không có số nhà của phong bì ghi. (Vì nếu có ông đưa thư đã không bỏ vào thùng thư nhà tôi.) Chỉ còn một cách tôi đảo vị trí của ba con số đó đủ kiểu khác nhau, 207 thành 270, 720, 702, để may ra đúng nhưng vẫn hoàn toàn thất vọng, không có số nhà nào đúng với cái số tôi đổi cả. Tôi làm thêm một điều kỳ cục nữa là ghé mắt nhìn vào cửa sổ của một vài căn nhà xem có nhà nào cách chưng bầy đồ đạc có vẻ Việt Nam hay không? Có tiếng Việt nào nói vang ra ngoài mình nghe được không? Giờ này ít có ai ở nhà, nên không nghe thấy tiếng, cũng chẳng có nhà nào có vẻ Việt Nam cả, trừ nhà tôi. Tôi đành chặc lưỡi “Thư của mình chứ còn của ai nữa, mình họ Trần mà”. Nhưng tôi đâu có tên là Trần văn Tâm.
Tôi giữ lá thư mấy hôm liền, và trong mấy hôm đó, mỗi buổi trưa tôi lại đi làm việc của người đưa thư. Tôi hy vọng sẽ tìm ra người nhận trong khu xóm này, vì tên đường và tên thành phố biên đúng trên phong bì. Tôi không dám kể chuyện này cho chồng tôi nghe, sợ bị la vì giữ thư của người khác là phạm luật.
Đến ngày thứ ba, cầm lá thư lên bỗng thấy nặng trĩu hơn mấy ngày trước và thấy buồn buồn như có ai tin cậy nhờ mình một việc mà mình làm không trọn vẹn. Tôi đi lấy chiếc phong bì mới, đề tên người gửi là tên và địa chỉ của mình trên phong bì, cho lá thư Việt Nam vào đó, ngày mai tôi sẽ gửi trả lại cho cô/bà Nguyễn thị Nga. Đặt lá thư ngay dưới chân chiếc đèn ngủ, nhìn tần ngần một lúc mới tắt đèn lên giường.
Lá thư thứ nhất:
anh tâm thươn nhớ,
em nhớ anh ghê lắm em Đang có bầu đây anh biết không, đêm nào con nó cũng đạp trong bụng khiến em nhớ anh quá chừng mà anh đi đâu từ đó đến giờ mà không tin không tứt gì cho em cả. Anh có nói anh qua bên đó là thư cho em và làm giấy bão lãnh em ngay mà em chờ đỏ con mắt em Khóc nhớ anh mà sáu tháng rồi em không nghe tin tứt chi hết, hay anh hết thươn em rồi, mà hết thươn thì con Hai Đứa mình ba tháng nửa ra đời làm sao nuôi con em không còn tiền bạt chi hết cả
bà con chòm xóm cứ hỏi hoài em mắc cở nên nói láo với họ là anh có gửi thơ về và làm giấy rồi chừng vài tháng là đi mỹ, ai cũng nói em có pước có đưa nên được lấy chồng việt kiều về cưới, họ nói việt kiều mỹ có tiền hơn việt kiều út, đám cưới mà tốn 3 trăm đồng tiền mỹ là rất là sang trọn, lại còn được anh cho đi chơi chỗ này chỗ nọ như con dà dàu có và em rất vui sướn mà cho nên em thêm mắc cỡ hoài,
à quên nói cho anh biết hai trăm anh cho mạ bữa đám cưới mạ mua được hai con heo giốn và sửa cái mái nhà
em có lên ủy ban Nhân dân Xã để hỏi thăm mấy lần, thấy em cứ hỏi Hoài họ nói họ không có biết, họ còn nói mà em nói lại anh đừng la em gnhe, họ nói mấy thằng việt kiều là việt dan đem mấy trăm dồng Bạc về lừa gái quê con nhà lành đem đi xài cho đã rồi bỏ trốn rồi, em nói anh đàn hoàn anh không việt dan đâu, anh sẽ về đem em qua mỹ và đem mạ qua luôn cho mạ sướng
em có viết cho anh Mấy cái thơ gửi mà rồi anh có nhận được không mà im re em còn nhờ người đi sài Gòn gửi thêm thư mà anh vẫn im re, anh ở đâu hay là tụi mỹ Nó không Biết đọt tiếng việt Mình nên hắn Dụt đi nên anh không nhận được
anh tâm Ơi em nhớ anh hết sứt anh nhớ nhận đưọt Thư này là làm giấy liền nghe, em chờ anh đêm Ngày, em Khóc Đỏ con mắt hoài, mạ nói đừng khóc mà cái thai Nó ảnh Hưởng mà làm sao mà không khót không nhớ cho đượt, anh ơi.
vợ Của anh trần Thị NGa
Lá thư thứ hai:
Anh hai.
Lâu quá anh hai khôn gửi thư gửi tiền về nhà em nghe nói ở bên đó đi làm cả bạc ngàn mà nhà mình nghèo quá, mà cả ba năm nay chỉ nhận được có một trăm đô của anh. Cha mất vào đúng cơn bão tới nước ngập lụt nguyên vùng mình muốn trôi cả nhà đi giường phản trôi bềnh trong nước luôn khôn có đất chôn cha trong nhà Không còn đủ một chén gạo, củi lửa cũng khôn. em viết thư ngay cho anh mà khôn nhận được thơ trả lời có phải lũ lụt đã trôi hết thư của xã mình mạ bây giờ đang ốm nặng em có xin thuốc lá của chú năm cho mạ uống mà không thấy êm, Mấy người nói đem mạ ra tĩnh chữa, mà em đâu có tiền em chắc mạ rồi cũng theo ông bà theo cha nữa hôm Chôn cha phải bó chiếu cái chiếu ngắn cha thò chân ra ngoài em kéo xuốn thì lại thòi đầu kia ra, chôn ngay ở một gò đất mà em không biết được bao lâu coi chừn nước kéo cha đi luông em cũng hết sức rồi. em cầu trời ngày đêm cho anh nhận được thư này về thăm mạ cho mạ tiền trước khi mạ chết mà này có phải bên đó anh làm được tiền ngàn khôn
em nga
Lá thư thứ ba:
con trai Tâm của mạ
Mạ không biết chữ nên phải nhờ con bé bán chuối nhà hàng xóm viết hộ thư này để cầu cứu con bà con chòm xóm mình đây ai cũng nghèo khổ như nhà mình nên mạ không biết xin tiềng ai. con Liên bây giờ 15 tuổi hồi con ở nhà nó lên 5 nó không có đi học nữa mạ khôn có tiềng con cho môt trăm mỹ hết từ hai năm nay rồi nhà mình nghèo quá, hai năm nay mạ mới nhận được một trăm con gửi về ăn thì chẳng bữa nào đủ no có Người thương nói đem em con lên Xềgòn cho đi ở mướn mạ thấy mừn chỉ làm việc nhà, đuợc ăn no và mặc quần áo lành có tiềng gửi về cho mạ nữa và em cũng mừn bây giờ mới biết là không phải đi Xềgòn mà đi mãi tận cam bô chia không biết làm gì mà phải đi xa thế lại nghe có người nói em con bị bán sang đó làm gì mạ cũng không biết mà nó thì đáng đồng xu têng nào mà bán gì đâu khơn biết nhưng đi xa quá nhỡ không có tiền đi xe đò về mấy ngày tết thì mạ nhớ nó lắm Mạ không có tiền đi xềgòn tìm em ai đưa mạ đi cam bô chia bây giờ, Con nhận được tin này thì thu xếp về ngay để sang cam bô chia lấy em về khi hôm mạ nằm mớ thấy em con mạ khóc quá. nếu con khôn về được thì rán gửi cho mạ ít tiềng để mạ đi tìm và chuộc em về tiềng cứ gửi về chỗ ông trưởn xã mìnhchắc ông không lấy của mạ là mạ nhận được
mạ của con bà Cụ ngA
Sáng nay, tôi thức dậy trong một trạng thái lơ mơ, đầu nằng nặng. Tôi không biết tôi đã đọc những lá thư trên trong giấc ngủ hay là trước khi ngủ. Chiếc phong bì tôi mới viết còn nằm dưới chân đèn ngủ. Tôi cầm phong bì lên, ngắm nghía một lúc, đi sang phòng làm việc, mở thư ra, cho vào đó mảnh giấy nhỏ có viết mấy chữ:
“ Địa chỉ của ông Trần văn Tâm sai, nên thư không có người nhận. Nếu cô/bà Nga cần gì xin viết thư cho tôi về tên và địa chỉ trên phong bì. Tôi cũng họ Trần, cũng người trong gia đình. Xin đừng ngại gì cả. Nhớ đề tên và địa chỉ rõ ràng tôi mới liên lạc được”
Tôi dán lại phong bì, mang thư ra tận bưu điện gửi cho yên lòng. Hy vọng lá thư này đến tay người phụ nữ khốn khổ ấy bên kia trái đất.
9/06