Truyện Ngắn tmt
Friday, May 9, 2014
VỢ CHỒNG
Người đàn bà gõ lên cánh cửa mấy tiếng, rồi đứng đợi. Không thấy tiếng động nào. Bà gõ thêm mấy tiếng nữa, nghiêng tai một giây nghe ngóng, rồi mở chiếc túi xách lấy chìa khóa mở cửa. Bà thò đầu vào trong nhà lên tiếng gọi:
- Ông có nhà không ?
Chẳng nghe tiếng nói, bà biết là ông đã đi vắng. Bà quay ra xe đem mấy cái túi chợ vào trong bếp, rồi đi rửa tay, đun nước tự pha cho mình một ấm trà trước khi bắt đầu nấu nướng.
Bà đến nấu cho họ vài món, cất vào tủ lạnh sẵn đủ cho nguyên tuần. Cô con gái đã hai mươi nhưng còn đi học, ở với bố đâu có biết nấu nướng gì. Hai bố con thay nhau, ai có nhà giờ nào tiện, thì chỉ việc đặt nồi cơm, luộc thêm chút rau hay cho rau vào bát canh và ăn với những món mặn bà nấu sẵn. Hôm nay bà có mua dưa về muối, bà biết ông thích ăn dưa muối còn cay với thịt kho tầu.
Bà loay hoay nấu nướng cũng mất hơn một tiếng. Đang thu dọn để về thì ông bước vào nhà. Ông lên tiếng trước:
- Sao hôm nay bà đến sớm thế? Tôi đi uống cà phê với ông Thành, nghĩ là bà sẽ đến vào buổi chiều như mọi khi.
Bà không nhìn lên, vẫn cúi lau cho sạch những vết mỡ bắn trên mặt bếp.
- Tôi đến sớm, vì chiều nay có cái hẹn với Nha sĩ.
Lau dọn xong, bà bưng tách trà mới đặt trước mặt ông hỏi:
- Ông đã giữ vé về Việt Nam chưa?
- Có, tôi đã giữ rồi, mình sẽ về vào đầu tháng hai, nóng đấy. Nhưng tôi muốn về ăn Tết, bà có bằng lòng không?
- Về lúc nào cũng được, tùy ông. Bà biết là ông chỉ hỏi cho lịch sự, chứ bao giờ mà ông chẳng là người quyết định sau cùng.
Bà nhìn trước nhìn sau, dọn dẹp những tờ báo, lau bụi cái bàn thờ nhỏ của hai cụ nội, thay khăn giường cho ông. (Buồng cô con gái thì bà để cô tự lo lấy). Bà xếp lại chiếc gối cho ngay ngắn. Cái giường một, cái gối đơn. Chiếu chăn không ấm người nằm một. Đã hai năm nay, ông dọn ra ở riêng với con gái, có khi nào ông thấy trống trải trong giấc ngủ không?
Bà thì thấy rất rõ những buổi sáng thức dậy một mình hai bàn chân lành lạnh không biết ủ vào đâu. Hồi còn trẻ ở Đà Lạt, những buổi tối trước khi đi ngủ bà thường làm nũng chồng, đưa hai bàn chân sang để ông xoa cho ấm. Có khi ông buồn ngủ quá, thì ông giấu vội bàn chân bà vào giữa lòng ông, và bà nhiều khi nghiêng người lâu quá về một bên, cũng không dám rút chân ra sợ làm ông thức giấc. Bây giờ thì cả hai không có người bên cạnh trong giấc ngủ để chiều nhau. Chuyện bàn chân ấm lạnh đã thuộc về cổ tích. Khi ở trong buồng tắm, cầm chiếc khăn lau cái gương soi, lòng bà rưng rưng nghĩ đến những lúc ông soi trong đó. Bà gỡ mấy sợi tóc bạc ngắn của ông vướng ở răng lược vứt vào thùng rác, rửa cái lược cho ông. Ngẫm nghĩ thế nào, bà lại cúi xuống nhặt mấy sợi tóc bạc, gói vào miếng giấy mỏng cất vào túi. Bà nhớ là ông hói từ khi còn rất trẻ, và hay bị lạnh đầu. Sống ở Đà Lạt, nên ông đội mũ thường xuyên. Món quà đầu tiên bà tặng ông là một chiếc mũ dạ. Bây giờ ông còn giữ, thỉnh thoảng vẫn đem ra dùng. Bà nhớ đến một bài thơ nói về sợi tóc, trong đó có đoạn:
Sợi tóc mỏng của một thời thơ dại
Của một thời tình ngủ giữa chiêm bao
Của một thời xô động cả trăng sao
Biển căng ngực và núi rền tiếng thở
Đời mới lớn vừa mở tung cánh cửa
Tóc đã trượt chân ngã xuống vai nhau
Tình trượt chân nên chẳng giữ được nhau
Sợi tóc mỏng vẫy hoài gương lược cũ (*)
Tiếng ông hỏi bà từ nhà ngoài:
- Bà có cần đi ngay thì cứ để đấy tôi làm lấy.
Tiếng bà vọng ra, nghe nhẹ như tiếng người đang trong cơn buồn ngủ:
- Không sao, tôi làm xong rồi.
Bà vừa nói vừa đi ra, ngồi xuống cái ghế trong căn bếp nhỏ. Ông ngồi ở buồng khách, họ nhìn thấy nhau nhưng không đối mặt nhau. Câu thơ vẫn lâng lâng trong đầu bà.
Đã từ lúc nào họ không đối mặt nhau, họ không nhìn vào mắt nhau nữa? Không phải từ lúc ông dọn ra ở với cô con gái, và bà ở lại với người con trai. Nó bắt đầu từ lúc nào, cả hai cùng không nhớ rõ. Có phải từ lúc ông bà dắt nhau sang Mỹ, thả đời vào một xã hội mới. Có phải từ lúc ông không còn muốn nghe những lời cằn nhằn của bà về một đời sống không như ý, ông không muốn gặp mặt những người bạn của bà, không muốn đi cùng bà đến chùa, không muốn làm một công việc mà bà kiếm cho ông. Bà không muốn cả ngày ông không nói một câu, và khi nói là ông gắt gỏng, ông không học lấy một cái nghề mới cho thích hợp với xã hội mới, nhất là lúc nào ông cũng bất mãn. Khi sang đây, mặc dù là sang sau các bạn, nhưng lúc đó ông mới ngoài năm mươi tuổi, đối với bà chưa gọi là già được. Sao ông không chịu hội nhập như những người đàn ông khác!
Đồng ý hay bất mãn, cuối cùng ông bà cũng phải bương chải, phải sống như mọi người, phải kiếm việc làm, nuôi con khôn lớn. Họ ít nói với nhau hơn, họ đánh mất từ từ những thói quen âu yếm, họ như hai người góp gạo thổi cơm chung, mỗi người làm theo ý thích của mình, họ chỉ nói với nhau khi có vấn đề liên quan đến tài chánh của cả gia đình. Họ đã quên hẳn cái khoảng thời gian còn ở quê nhà, cái khoảng thời gian tâm đầu ý hiệp hồi mới yêu nhau. Việc chăn gối vợ chồng cũng theo đó mà nhạt dần, nhạt dần.Họ đi làm, rồi vào tuổi hưu trí. Họ vẫn không biết làm thế nào để người kia chịu cùng có một quan điểm như mình trong cái môi trường xã hội lúc nào cũng như còn mới này, họ biết là họ đã chịu đựng nhau quá lâu. Và khi con cái đã trưởng thành, thì sự sống chung chỉ còn là một gắng gượng không cần thiết. Ông đề nghị dọn ra ở riêng với cô con gái.
Mới đầu bà thở phào một cái thật nhẹ nhõm. Nhưng khi ông dọn ra ở riêng rồi, cả hai ông bà đều thấy hụt hẫng. Mặc dù bao nhiêu năm sau này cả hai không còn đồng tâm hợp ý, bà vẫn có thói quen được săn sóc ông, và được ông giúp đỡ. Cậu con trai đã lớn có thể thay ông làm hộ những việc bà cần, nhưng vẫn không thể nào giống như cách bà đã quen với ông làm cho mình.
Còn ông thì ăn ngủ gì cũng thấy như đang ở vào một đời sống khác. Mà đúng là một đời sống tự ông lựa chọn để được khác đi. Một đời sống không có bà bên cạnh. Ông thấy thật nhẹ nhõm, tự do đi về, tự do suy nghĩ và làm những điều mình muốn. Nhưng có những buổi sáng thức dậy, ông thấy thèm được nghe tiếng động trong bếp, tiếng reo của cái ấm nước đun sôi, tiếng dép khe khẽ của bà đi qua đi lại. Ông biết là bà đang sửa soạn ấm trà buổi sáng. Những thói quen đó không có ở căn nhà mới.
Cô con gái còn ở tuổi đi học, chỉ biết ghé chợ Việt Nam đem về cho bố những bữa ăn nấu sẵn. Mới đầu, ông thấy thật là tiện, cả hai bố con đều tấm tắc “Cũng ngon đấy chứ!” Nhưng chỉ độ một tháng là hết còn ngon, thức ăn hôm nào cũng thừa. Thỉnh thoảng bố con dắt nhau đi ăn tiệm, ăn tiệm mãi cũng ngán, cô con gái bảo bố:
- Hay là mỗi ngày mình về bên mẹ ăn cơm?
Ông tự ái, đời nào chịu. Sáu tháng sau, cả hai bố con đều xuống cân. Cô con gái đề nghị với bố:
- Hay là nhờ mẹ nấu hộ, con đi học về con ghé lấy.
Ông im lặng một lúc, cô biết là bố đã xiêu lòng, cô gọi mẹ. Bà cũng chỉ chờ có thế. Trong lòng bà, bà vẫn không an tâm về việc ăn ở của cả hai bố con, nhưng chắc chắn bà không lên tiếng trước. Con bé có hôm đi học về trễ, ông phải đợi con đem cơm về, thật là đói! Nhưng ông nhất định không than tiếng nào. Bà chọn vào hôm sinh nhật ông, gọi điện thoại, nói nhỏ nhẹ: “Hôm nay sinh nhật ông, để tôi và thằng Tâm đến ăn cơm chiều.”
Ông im lặng, bà đoán là ông cảm động, bà nhớ sinh nhật mình, cuối cùng ông ừ nhẹ một tiếng. Chiều hôm đó bà đem đến món giả cầy, là món ông thích ăn nhất. Trước đây, bà vẫn hay nấu cho ông vào ngày sinh nhật. Trong bữa ăn, hai đứa con để ý thấy bố mẹ có nói chuyện với nhau, cô con gái tinh ý hơn thấy hai người vẫn không nhìn nhau khi nói.
Sau ngày sinh nhật đó của ông, cô con gái đưa cho mẹ một cái chìa khóa nhà, dặn:
- Con đã hỏi bố rồi. Mẹ cứ đến đây nấu để bố khỏi bị đói vì chờ con.
Thế là mỗi tuần, bà có thêm một việc để làm trong tuổi về hưu. Bà đi chợ nấu ăn cho cái gia đình bốn người ở hai nhà khác nhau. Bà tự động dọn dẹp nhà cửa cho ông.
Mới đầu thì ông khó chịu lắm, vì thấy như mình vẫn lệ thuộc vào bà, ông tránh mặt mỗi khi biết bà sắp đến, nhưng ba, bốn tháng sau thì ông thấy thoải mái hơn khi bà đến bất chợt gặp ông ở nhà. Họ chào hỏi nhau, nói những điều cần thiết, tránh tranh luận để đi đến chỗ phải khó chịu nhau như khi còn ở chung. Dần dần ông thấy mình thản nhiên hỏi tuần này bà sẽ cho bố con ông ăn gì? Bây giờ thì họ nói đến chuyện cùng nhau về Việt Nam thăm quê hương họ hàng.
Cả hai đều biết, khi về Việt Nam, họ sẽ không bao giờ cho họ hàng, bạn bè biết là họ không còn sống chung với nhau dưới một mái nhà. Làm sao mà những người bên quê nhà hiểu được cái điều kỳ lạ này! Ngay cả chính hai người, đôi khi họ cũng không thể hiểu được cái tình trạng của mình.
Ông nhớ lại thời hai người yêu nhau. Họ có thể chia xẻ với nhau đủ mọi phương diện. Từ văn chương cho đến đời sống. Cô sinh viên thông minh đó ông chưa nói hết câu đã bụm miệng cười. Ông chưa kịp cau mặt, cô đã lái câu chuyện sang hướng khác. Cô mơ mộng và lý tưởng, cô thuộc bao nhiêu là thơ, cô đã từng gửi cho ông câu thơ tình cầu kỳ lãng mạn của Shakespeare, thuở mà những người yêu nhau mới biết tặng nhau thơ của Nguyên Sa, Đinh Hùng. Ông vẫn còn nhớ câu thơ đó đến ngày nay:
This bud of love, by summer’s ripening breath,
May prove a beauteous flower when next we meet
Trong đêm đầu tiên của đời sống vợ chồng, ông đã đọc lại câu thơ này và gọi cô dâu là “hồng nhan tri kỷ”.
Bây giờ họ sẽ đóng vai một cặp vợ chồng may mắn, hạnh phúc ở xa về thăm quê. Trong mắt những người bạn hữu xưa, mối tình của hai người mấy mươi năm về trước vẫn đẹp như một vầng trăng. Ông bà không nỡ làm mọi người thất vọng vì một vầng trăng méo mó.
Ông nhìn theo bà bước vào xe, cái bóng gầy gầy của bà thời con gái vẫn không đẫy hơn chút nào khi lớn tuổi. Ông thấy lòng rưng rưng, ông biết trong thâm tâm ông vẫn yêu bà. Nhưng điều làm ông đau đớn là cái xã hội mới này đã lấy mất đi của ông một “hồng nhan tri kỷ” của ngày nào.
Bà quay chiếc xe vòng cung trong cái hẻm cụt, truớc khi lái thẳng ra đường lộ. Bà ngừng lại một chút, cho tay vào túi áo lấy ra cái gói có mấy sợi tóc bạc của ông. Bà mở gói, cầm một sợi trắng phau lên ngang mặt, ngẩn người ra ngắm một giây rồi lại gói cẩn thận cất vào túi sách. Bà quay đầu lại, nhìn theo cái lưng ông khuất sau cánh cửa.
Mắt bà mờ đi.
2003
(*) Thơ Trần Mộng Tú